Thủ tướng: Bệnh viện Bạch Mai là niềm tự hào của y học Việt Nam, là 'pháo đài' trong chiến tranh và hòa bình

Chiều 24/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, động viên đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai và dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2025) tại Bệnh viện hạng đặc biệt này; thăm Học viện Quân y và Bệnh viện 103.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bệnh viện Bạch Mai là niềm tự hào của y học Việt Nam, là 'pháo đài' trong chiến tranh và hòa bình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bệnh viện Bạch Mai là niềm tự hào của y học Việt Nam, là 'pháo đài' trong chiến tranh và hòa bình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Tại lễ kỷ niệm, Bệnh viện Bạch Mai đã đón nhận danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú với 25 cá nhân thuộc Bệnh viện; Huân chương Lao động hạng Ba với PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện và TS. Nguyễn Thị Mai Ngọc - Bác sĩ Viện Tim mạch Bệnh viện; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân. Nhân dịp này, Bệnh viện Bạch Mai cũng công bố và trao Quyết định thành lập Viện Y học nhiệt đới.

Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ, Bệnh viện đạt được những thành quả như ngày hôm nay là nhờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Y tế với những cơ chế, chính sách hết sức thiết thực và kịp thời trong giai đoạn vừa qua đã giúp tháo gỡ các khó khăn, nút thắt để vận hành, quản lý Bệnh viện.

Cụ thể như phê duyệt chuyển đổi cơ chế thí điểm tự chủ toàn diện sang cơ chế tự chủ nhóm 2 (bảo đảm chi thường xuyên) đối với Bệnh viện; đầu tư nguồn ngân sách cho dự án mua sắm trang thiết bị với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng khoa Khám bệnh với kinh phí 495 tỷ; tháo gỡ vướng mắc trong Luật Đấu thầu, các văn bản hướng dẫn trong đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư, trang thiết bị y tế; triển khai Đề án 06 của Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030"…

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết, với sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới, Bệnh viện đã xây dựng chiến lược phát triển chuyên môn đến năm 2030 với 6 trụ cột phát triển chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết, với sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới, Bệnh viện đã xây dựng chiến lược phát triển chuyên môn đến năm 2030 với 6 trụ cột phát triển chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Giám đốc Đào Xuân Cơ cho biết, với sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới, Bệnh viện đã xây dựng chiến lược phát triển chuyên môn đến năm 2030 với 6 trụ cột phát triển chính: (1) Chuyển đổi số, dữ liệu lớn (Big Data) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong y tế; (2) Tế bào gốc; (3) Gen trị liệu; (4) Phẫu thuật Robot; (5) Công nghệ in 3D các vật liệu thay thế các bộ phận cơ thể người và (6) Ghép đa tạng.

Bệnh viện nêu một số đề xuất, kiến nghị liên quan kinh phí đầu tư xây dựng mới, cải tạo một số tòa nhà của Bệnh viện đã xuống cấp sau hơn 100 năm sử dụng; mua sắm thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất hiện đại; cử chuyên gia đi đào tạo, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật tại nước ngoài; phê duyệt chủ trương thành lập Trường Đại học Y Dược Bạch Mai trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai; cấp kinh phí, hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện, liên thông dữ liệu trong khuôn khổ Đề án 06; sớm đưa Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam đi vào hoạt động…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Bệnh viện Bạch Mai là niềm tự hào của ngành y học Việt Nam, xứng đáng là Bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Bệnh viện Bạch Mai là niềm tự hào của ngành y học Việt Nam, xứng đáng là Bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Xứng đáng là Bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Bệnh viện Bạch Mai là niềm tự hào của ngành y học Việt Nam, xứng đáng là Bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên; luôn là một "pháo đài" trong chiến tranh và hòa bình, trong chiến tranh là "pháo đài" góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, trong thời bình là "pháo đài" góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân.

Thủ tướng nhắc lại, cách đây 70 năm, ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết Thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế. Bức thư ngắn gọn, súc tích, chỉ với 368 từ nhưng đã gửi gắm tình cảm sâu sắc với 3 định hướng lớn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành y tế: Phải thật thà, đoàn kết; Thương yêu người bệnh; Xây dựng nền y học nước nhà. Định hướng đó đã trở thành kim chỉ nam, ánh sáng soi đường và là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với đội ngũ các thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế. Ngày 6/2/1985, Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định ngày 27/2 hằng năm là "Ngày Thầy thuốc Việt Nam".

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu "Thầy thuốc như Mẹ hiền", lớp lớp các thế hệ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế Việt Nam đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua vô vàn thiếu thốn, khó khăn, thử thách và cả hy sinh tính mạng, máu xương của mình, không kể ngày đêm, trong thời chiến cũng như thời bình để xây dựng nên sự nghiệp y tế đầy tự hào của đất nước ta, của nhân dân ta.

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích đáng tự hào mà các thế hệ giáo sư, bác sĩ, thầy thuốc, nhân viên y tế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế nói chung và Bệnh viện Bạch Mai nói riêng đã đạt được trong thời gian qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích đáng tự hào mà các thế hệ giáo sư, bác sĩ, thầy thuốc, nhân viên y tế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế nói chung và Bệnh viện Bạch Mai nói riêng đã đạt được trong thời gian qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta mãi mãi khắc ghi chiến công của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, vượt qua biết bao cam go, gian khổ, có mặt trên khắp các chiến trường để chăm sóc, cứu chữa thương binh, bệnh binh, đồng bào, đồng chí; hàng nghìn cán bộ y tế đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

"Chúng ta luôn tri ân những người thầy thuốc - "Người chiến sĩ áo trắng" trong thời bình, có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc, tận tụy với nghề, say sưa với ngành, ngày đêm cống hiến để bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và đóng góp vì hạnh phúc cho mọi gia đình.

Chúng ta sẽ không thể nào quên hình ảnh "những chiến sĩ áo trắng" trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 thấm đẫm mồ hôi trong bộ trang phục chống dịch, làm tất cả vì sức khỏe, tính mạng nhân dân. Vẫn còn đó đậm nét dấu ấn không bao giờ phai của các y bác sĩ, nhân viên y tế trong những trung tâm hồi sức tích cực không một phút giây ngừng nghỉ, giành giật từng hơi thở, giữ từng nhịp tim của đồng bào mình; hay từng ánh mắt, nụ cười, sự sẻ chia, động viên chân thành của người thầy thuốc dành cho người bệnh", Thủ tướng bày tỏ và khẳng định đánh giá rất cao đóng góp của ngành y trong đại dịch COVID-19.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, qua biết bao khó khăn, thử thách, ngành y tế Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh và đạt nhiều thành tựu quan trọng, rất đáng tự hào với những tấm gương tiêu biểu về y đức và tài năng như Giáo sư, bác sĩ Hồ Đắc Di; Bác sĩ Vũ Đình Tụng; Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ; Giáo sư, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch; Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng; Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tài Thu…

Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Ba cho PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện và TS. Nguyễn Thị Mai Ngọc - Bác sĩ Viện Tim mạch Bệnh viện - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Ba cho PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện và TS. Nguyễn Thị Mai Ngọc - Bác sĩ Viện Tim mạch Bệnh viện - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, đóng góp vào trang sử vẻ vang của ngành y Việt Nam có vai trò rất quan trọng của Bệnh viện Bạch Mai. Thành lập từ năm 1911, tiền thân là Nhà thương Cống Vọng, qua hơn 1 thế kỷ xây dựng, phấn đấu và phát triển, đến nay Bệnh viện Bạch Mai đã trở thành cơ sở khám, chữa bệnh lớn nhất cả nước, là Bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, một Trung tâm y học chuyên sâu, kỹ thuật cao, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y học hàng đầu và vinh dự trở thành Bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên của Việt Nam.

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các thế hệ thầy thuốc và nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai đã cùng đồng bào, chiến sĩ thành phố Hà Nội kiên cường chiến đấu bảo vệ Thủ đô; hăng hái tình nguyện chi viện phục vụ chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế; nhiều người đã mãi mãi không bao giờ trở lại.

Sau khi hòa bình lập lại, nhất là từ khi đất nước đổi mới, Bệnh viện Bạch Mai ngày càng phát triển với các dịch vụ y tế ngày càng đa dạng, ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật mới ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Nhờ đó, nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo được cứu sống không phải ra nước ngoài điều trị. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học về khám, chữa bệnh tim mạch, ung bướu, truyền nhiễm, hồi sức, cấp cứu, chống độc, phòng, chống dịch bệnh… đã được triển khai và ứng dụng vào thực tiễn. Bệnh viện Bạch Mai là địa chỉ tin cậy của các y bác sĩ, nhà nghiên cứu trong nước, quốc tế trong nghiên cứu, đào tạo, học tập và thực hành chất lượng cao.

Hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 1 có quy mô 3,6 nghìn giường; 57 đơn vị; 4,5 nghìn nhân viên, trong đó gần 1 nghìn cán bộ có trình độ sau đại học. Hằng năm, Bệnh viện tiếp nhận 2 triệu bệnh nhân ngoại trú và gần 200 nghìn bệnh nhân nội trú; triển khai nghiên cứu khoảng 300 đề tài khoa học mỗi năm.

Thủ tướng trao danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú cho 25 cá nhân thuộc Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng trao danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú cho 25 cá nhân thuộc Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Những thành tích, đóng góp to lớn của Bệnh viện Bạch Mai đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và phong tặng các danh hiệu cao quý như "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân", "Anh hùng Lao động" thời kỳ đổi mới, các huân chương cao quý. Đặc biệt, Bệnh viện hai lần vinh dự được Bác Hồ kính yêu đến thăm vào năm 1954 và năm 1960.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích đáng tự hào mà các thế hệ giáo sư, bác sĩ, thầy thuốc, nhân viên y tế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế nói chung và Bệnh viện Bạch Mai nói riêng đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của cả nước.

25 bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đón nhận danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

25 bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đón nhận danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mỗi người dân phải được khám chữa bệnh hằng năm

Khẳng định sức khỏe là vốn quý nhất của con người, đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển, Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: "Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang…".

Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, rất đáng tự hào, nhưng chúng ta còn nhiều việc phải làm để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và kỳ vọng của nhân dân, cũng như khẳng định năng lực y tế nước nhà trong kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.

Thủ tướng bày tỏ, chúng ta mong muốn các cơ sở khám chữa bệnh sáng, xanh, sạch, đẹp hơn; năng lực khám chữa bệnh tốt hơn kể cả tại các thành phố lớn hay vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo; giá khám chữa bệnh, thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư y tế phù hợp với thu nhập người dân hơn; thủ tục hành chính thuận lợi hơn…

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Tập thể Bệnh viện Bạch Mai; PGS.TS. Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai; PGS.TS. Đỗ Đào Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Tập thể Bệnh viện Bạch Mai; PGS.TS. Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai; PGS.TS. Đỗ Đào Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo toàn ngành y tế, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trước hết, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 20 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; trong đó đã xác định rõ: Nghề y là một nghề đặc biệt; nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ tính mạng, chăm sóc sức khỏe người dân, mỗi người dân phải được khám chữa bệnh hằng năm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; vừa phát triển y tế cộng đồng, y tế cơ sở, vừa phát triển y tế chuyên sâu, các bệnh viện chuyên sâu để cứu chữa người bệnh mắc các bệnh hiểm nghèo, các ca đặc biệt…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và cán bộ, bác sĩ, sinh viên y khoa đang làm việc, học tập tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và cán bộ, bác sĩ, sinh viên y khoa đang làm việc, học tập tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng với đó, khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong mua sắm, đấu thầu, đàm phán giá thuốc, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh, theo tinh thần bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ tại các cơ sở y tế, thúc đẩy hoạt động mua sắm tập trung ở cả cấp quốc gia và địa phương nhằm tiếp tục hạ giá thuốc, duy trì mức giá thuốc hợp lý, làm sao để người dân, người bệnh được hưởng lợi.

Khẩn trương đề xuất ban hành chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế (như nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập). Đổi mới chính sách tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ; khuyến khích cán bộ làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…

Nâng cao năng lực, hiệu quả y tế dự phòng và y tế cơ sở. Phát triển mạnh công nghiệp dược, sản xuất trang thiết bị y tế, năng lực tự bảo đảm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế của quốc gia. Tăng cường đào tạo nhân lực y tế, nhất là nhân lực chất lượng cao theo hướng "Sâu y lý - giàu y đức - giỏi y thuật". Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số gắn với hội nhập quốc tế ngành y tế.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế, ngành y tế đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao quyền nhiều hơn cho địa phương trong quản lý, vận hành các bệnh viện trên địa bàn, phát huy mạnh mẽ vai trò của người dân là trung tâm, chủ thể; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí, phiền hà cho người dân, giảm tham nhũng vặt…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo hoàn thành các dự án Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đưa vào hoạt động trong năm 2025; yêu cầu 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức chủ động chuẩn bị nhân lực và các điều kiện cần thiết để triển khai ngay công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân khi cơ sở 2 hoàn thành vào cuối năm nay.

Khái quát lại, Thủ tướng nêu 6 mong muốn với ngành y tế, Bệnh viện Bạch Mai: Điều trị hiệu quả cho người bệnh; tích cực đào tạo nhân lực chất lượng cao cho toàn ngành; nghiên cứu chuyên sâu giỏi, nhất là các bệnh hiểm nghèo, các loại bệnh phổ biến ở Việt Nam, các bệnh nhiệt đới; không ngừng đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số trong khám chữa bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân; tận tụy và không gây phiền hà cho người bệnh, người nhà bệnh nhân theo đúng tinh thần "Thầy thuốc như Mẹ hiền".

Thủ tướng lưu ý, cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu chuyên sâu, cần đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Về các kiến nghị của Bệnh viện Bạch Mai, Thủ tướng hoan nghênh và đồng ý về nguyên tắc; đề nghị Bệnh viện Bạch Mai khẩn trương xây dựng đề án, dự án để thực hiện, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2025, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xử lý các kiến nghị của Bệnh viện Bạch Mai, nếu có vướng mắc, ý kiến khác nhau giữa các cơ quan thì giao Phó Thủ tướng Lê Thành Long trực tiếp chỉ đạo giải quyết.

Khẳng định thời gian tới, nhiệm vụ của ngành y tế nói chung, Bệnh viện Bạch Mai nói riêng là rất nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng ngành y tế và Bệnh viện Bạch Mai với vai trò là bệnh viện đầu ngành tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; phấn đấu sớm trở thành một bệnh viện uy tín hàng đầu khu vực và thế giới.

Hà Văn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/thu-tuong-benh-vien-bach-mai-la-niem-tu-hao-cua-y-hoc-viet-nam-la-phao-dai-trong-chien-tranh-va-hoa-binh-102250224164530874.htm