Thủ tướng: Biến thách thức thuế đối ứng của Mỹ thành động lực tái cơ cấu kinh tế
Trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động, Thủ tướng nhấn mạnh cần coi chính sách thuế đối ứng của Mỹ là cơ hội thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa việc đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Mở rộng cơ sở thu ngân sách từ thương mại điện tử, ăn uống
Kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng cho rằng, tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, tỷ giá còn cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn. Việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% còn rất nhiều khó khăn, áp lực. Một số quy định pháp luật còn chưa thuận lợi; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; bộ máy cấp tỉnh, cấp xã mới đi vào hoạt động từ 1/7/2025, cần thời gian. Buôn lậu, gian lận xuất xứ, hàng giả, không rõ nguồn gốc, tình trạng găm hàng, đội giá, thao túng thị trường… và thiên tai, biến đổi khí hậu… còn diễn biến phức tạp.
Theo đó, trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu 3 tăng tốc, gồm: Tăng tốc, tập trung huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 11-12% so với năm 2024 để phục vụ mục tiêu tăng trưởng; tăng tốc, bứt phá giải ngân 100% vốn đầu tư công trước 31/12/2025; tăng tốc, dồn lực để hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước 27/7, trên phạm vi toàn quốc trước ngày 31/8/2025 và hoàn thành vượt mức kế hoạch xây dựng 100 nghìn căn nhà ở xã hội trước 31/12/2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ, giải quyết kịp thời chính sách, chế độ đối với các trường hợp nghỉ việc sau sắp xếp tổ chức bộ máy; bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc, phương tiện và tài sản công, không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực, ưu tiên sắp xếp, bố trí cho y tế, giáo dục, văn hóa, sinh hoạt cộng đồng…
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện chủ động, linh hoạt các giải pháp thích ứng với chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Coi đây là cơ hội tái cơ cấu, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, nhanh, bền vững, tuần hoàn; nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa việc đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Ngân hàng Nhà nước bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý (khoảng trên 16%); chỉ đạo tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính về hạn mức tín dụng, thay bằng điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường; xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2025; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; tăng cường quản lý thị trường vàng; khẩn trương trình sửa đổi Nghị định 24 trong tháng 7/2025; quyết liệt triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đã có; triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; tiếp tục mở rộng cơ sở thu, nhất là thu từ thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; đẩy mạnh đầu tư công và thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên (thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên theo Nghị quyết Chính phủ) để làm an sinh xã hội.
Trình dự thảo Nghị quyết triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa trước ngày 15/7
Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, lượng tử, sinh học, không gian ngầm, không gian biển, vũ trụ…).

Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ điều chỉnh Nghị quyết số 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng của 34 tỉnh, thành phố mới; đôn đốc, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch; xây dựng cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc; khẩn trương trình dự thảo Nghị quyết triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam trước ngày 15/7; bố trí kịp thời kinh phí cho các Nghị quyết số 57, 59, 66, 68 của Bộ Chính trị và cho cán bộ nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính, triển khai chính quyền địa phương 2 cấp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký kết; thúc đẩy các FTA mới, nhất là với các quốc gia mới nâng cấp quan hệ ngoại giao, khu vực có tiềm năng (Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin, Trung Á…); không để thiếu điện, thiếu xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; đẩy mạnh Cuộc vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam; khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam trước ngày 10/7/2025, dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược trước ngày 05/7/2025, dự thảo Nghị định về xuất xứ hàng hóa trước ngày 15/7/2025.
Bộ Xây dựng chủ trì đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển trong 2025; thực hiện ngay các giải pháp đối với giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao theo Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 10/6/2025.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng, các cơ quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình; trên cơ sở đó, xem xét các nhà đầu tư, phương án đầu tư (gồm cả trong và ngoài nước, cả khu vực nhà nước và tư nhân), bảo đảm khoa học, công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng, phương án nào có lợi nhất cho đất nước thì làm và quyết tâm chuyển giao công nghệ để phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
Tiếp tục tập trung xử lý hiệu quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài. Trong đó Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền phối hợp chặt chẽ, tập trung xử lý 2.365 dự án vướng mắc, tồn đọng kéo dài theo tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị để giải phóng nguồn lực và chống lãng phí.
Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, đẩy mạnh chuyển đổi số; đẩy nhanh việc chia sẻ dữ liệu, nhất là dữ liệu về dân cư, tư pháp, ngân hàng, thuế, bảo hiểm, đất đai…
Bảo An