Thủ tướng: Bộ ngành chủ động trong xây dựng cơ chế, chính sách vùng, xóa bỏ việc bộ này đẩy bộ kia
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị người đứng đầu bộ, ngành phải chủ động hơn trong xây dựng cơ chế, chính sách vùng, không để địa phương phải tự đề xuất, xin xỏ nhằm quyết tâm xóa bỏ cơ chế xin - cho, hành chính, quan liêu, bộ này đẩy bộ kia.
Ngày 5-5, phát biểu kết luận tại hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, diện tích Vùng Đông Nam Bộ nhỏ nhưng có đóng góp lớn cho cả nước.
'Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương' để làm sân bay Long Thành
Dẫn chứng một số kết quả kinh tế - xã hội của Vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng cho biết việc xây dựng sân bay Long Thành, Vành đai 3, sân bay Tân Sơn Nhất… là những hạ tầng “nhìn thấy được, sờ được”.
Thủ tướng khẳng định, hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam Bộ được nhìn thấy rõ, không ai phủ nhận. Nhắc đến sân bay Long Thành, Thủ tướng nói: "Một sân bay hơn 100.000 tỉ đồng, có chủ trương từ năm 2015, đến năm 2021 chưa giải phóng mặt bằng mà đến giờ này đã có hình hài như thế, cho thấy sự quyết tâm lớn, có thể hoàn thành vượt tiến độ".
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, dự án này đã giải phóng mặt bằng xong rồi, nếu tăng ca, tăng kíp, làm việc xuyên Tết, xuyên lễ, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” thì sẽ đẩy nhanh được tiến độ.
Thủ tướng khẳng định cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, tập hợp được sức mạnh của người dân, doanh nghiệp. Dù vậy, không được chủ quan vì Vùng Đông Nam Bộ còn nhiều điểm nghẽn cần giải quyết, để vùng phát triển đúng với tiềm năng, vị thế, đúng với mong mỏi của cả nước.
Trong đó, cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển công nghiệp văn hóa, liên kết hạ tầng giữa các tỉnh, thành trong vùng và giữa các vùng với nhau. Đồng thời, giải quyết ô nhiễm môi trường, ngập úng, ùn tắc giao thông, nhất là ở TP.HCM.
Bộ, ngành chủ động, không để địa phương 'xin xỏ'
Nói về vấn đề ngân sách để làm các dự án giao thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, ngân sách nhà nước bao gồm cả ngân sách Trung ương và địa phương, chứ không phân biệt.
Các dự án hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục… là dự án của nhà nước nhưng cũng là của người dân, được làm bằng tiền của nhà nước, của xã hội nếu hợp tác công tư hoặc tiền đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp theo hình thức BOT.
“Chính tư duy lạc hậu kéo lại sự phát triển” - Thủ tướng nói và đề nghị phải bứt phá.
Đối với việc triển thực hiện quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng phạm Minh Chính đề nghị, phải xác định những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng. Đồng thời, cộng hưởng với các cơ chế, chính sách ưu tiên để phát triển.
Trong phát triển vùng, Thủ tướng nhấn mạnh đến các từ khóa như: tăng tốc, đột phá, tiên phong, liên kết, chặt chẽ, thực chất, hiệu quả. Đồng thời, gắn với cơ chế, chính sách thông thoáng, đổi mới, hiện đại, chiến lược giao thông, hạ tầng phải nhanh và hiện đại; quản trị thông minh, phù hợp với xu thế phát triển mới.
Theo Thủ tướng, nguồn lực để phát triển vùng bao gồm nguồn lực Trung ương, địa phương, nguồn lực xã hội, FDI, hợp tác công - tư và các cơ chế đổi mới để huy động nguồn lực tổng thể, lấy đầu tư công dẫn dắt tư nhân và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, phải bám sát tình hình thực tiễn để kiên định mục tiêu chiến lược lâu dài; song cũng uyển chuyển linh hoạt, bám sát nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp để xây dựng cơ chế chính sách.
“Luôn đặt con người là trung tâm chủ thể, nguồn lực, động lực cho sự phát triển, không hy sinh an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ người dân.
“Tư duy tốt thì chính sách tốt, tư duy bảo thủ, lạc hậu thì không ra được chính sách” - Thủ tướng nói thêm.
Về bộ máy điều phối Vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đã tổ chức ra bộ máy thì phải hoạt động hiệu quả, đều tay, tâm huyết, không hình thức.
“Người đứng đầu bộ, ngành phải chủ động hơn trong xây dựng cơ chế, chính sách vùng, không để địa phương phải tự đề xuất, xin xỏ. Quyết tâm xóa bỏ cơ chế xin - cho, hành chính, quan liêu, cứ bộ này đẩy bộ kia, chỗ này đẩy chỗ kia” - Thủ tướng nói Vùng Đông Nam Bộ đề nghị các bộ ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải suy nghĩ những điều đột phá để phát triển vùng.
Hợp tác công tư, phát hành trái phiếu để làm Vành đai 4
Đi sâu vào một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ưu tiên đầu tư các dự án động lực trọng điểm như sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, Biên Hòa.
“Nay mai còn sân bay Biên Hòa, không phải để bay từ TP.HCM đến Biên Hòa mà từ khắp nơi trên thế giới đến đây, để chia sẻ với sự quá tải của TP.HCM trong lúc chưa hoàn thành sân bay Long Thành” - Thủ tướng nói.
Về trung tâm tài chính quốc tế, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT tham mưu với tinh thần “cứ triển khai đã, khó đến đâu, tháo gỡ đến đó”.
Thủ tướng đề nghị, cần xem việc gì làm trước, việc gì làm sau, gặp gỡ các doanh nghiệp, và tổ chức thực hiện cho bằng được trung tâm này, cần thiết có thể huy động đầu tư nước ngoài vào làm.
Về dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Thủ tướng đề nghị hoàn thiện hồ sơ trước ngày 15-5.
Đáng chú ý, đối với dự án Vành đai 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với đề xuất của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Để giải quyết vấn đề nguồn vốn, Thủ tướng nhìn nhận nguồn vốn Trung ương là để xây lắp, vốn địa phương để giải phóng mặt bằng.
Để có vốn, cần nghiên cứu hợp tác công tư, phát hành trái phiếu chính phủ. Theo Thủ tướng, hiện nay dư địa chính sách tài khóa tại Việt Nam còn rộng. Ông đề nghị Bộ Tài chính cùng Bộ KH&ĐT bàn luận, tìm ra phương án về vốn.
“Khó mấy cũng phải làm, dứt khoát phải làm, mà chúng ta làm được, vấn đề là tư duy thôi” - Thủ tướng khẳng định và cho biết việc phát hành trái phiếu lúc này rất thuận lợi vì lãi suất đô-la còn lớn.
“Việc phát hành trái phiếu như nguồn vốn để làm công trình trọng điểm không bao giờ lỗ, nhất là hạ tầng giao thông, miễn làm xong có không gian phát triển mới” - Thủ tướng nói lợi nhuận có thể mang lại ít nhất 10 lần, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn lần nhưng phải làm đúng chính sách, đúng quy định.
Đối với dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ GTVT trong 10 ngày phải bổ sung dự án vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Quy hoạch quốc gia có rồi, quy hoạch vùng cũng có, quy hoạch TP.HCM sẽ có, đó là cơ sở pháp lý rất rõ. Cơ sở chính trị cũng rõ vì có nghị quyết của Bộ Chính trị, có gì đâu mà còn sợ” - Thủ tướng nêu.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải dứt khoát hoàn thiện cơ bản sân bay Long Thành trong năm 2025, khánh thành sân bay Tân Sơn Nhất vào 30-4-2025 và các đoạn tuyến cao tốc nào có thể làm ngay thì làm ngay.
“Thời gian tới, tinh thần đã quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn, nỗ lực rồi thì nỗ lực cao hơn, quyết liệt rồi quyết liệt hơn, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đấy” - Thủ tướng nhấn mạnh thêm.
Vùng Đông Nam Bộ dẫn đầu GRDP
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định kết quả phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ năm 2023 đã đạt những kết quả tích cực.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng ước đạt 5,06 % so với mức tăng 5,05 % của cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của các địa phương trong vùng.
Một số chỉ tiêu dẫn đầu cả nước như: quy mô GRDP của vùng đóng góp vào GDP cả nước lớn nhất (chiếm 30,2% GDP), GRDP bình quân đầu người (đạt 166 triệu đồng), thu ngân sách nhà nước (675 nghìn tỉ đồng), thu hút đầu tư nước ngoài có 4/6 địa phương trong vùng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Cơ cấu kinh tế GRDP của vùng chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỉ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ.
LÊ THOA
VÕ TÙNG