Thủ tướng Boris Johnson với 'hòn đá Brexit' trước thềm nhà số 10 phố Downing

Ngày 23/7, người được gọi tên để làm chủ nhân của ngôi nhà số 10 phố Downing là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson. Câu hỏi lớn: thay đổi chính quyền tại Anh có thể cứu vãn thỏa thuận Brexit với Liên minh châu Âu (EU) luôn trên bờ vực sụp đổ? TG&VN tổng hợp.

Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhậm chức ngày 24/7/2019. (Nguồn: AFP)

Ông Boris Johnson giành chiến thắng áp đảo trước “kỳ phùng địch thủ”, Ngoại trưởng đương nhiệm Jeremy Hunt, với số phiếu ủng hộ cách biệt là 92.153 phiếu và 46.656 phiếu. Với chiến thắng này, ông sẽ trở thành nhà lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ, kế nhiệm nữ Thủ tướng Theresa May kể từ ngày 24/7.

Trong bối cảnh chính trị gia Boris Johnson nhận được sự ủng hộ đông đảo của các thành viên của đảng Bảo thủ, giới quan sát tỏ ra không mấy bất ngờ khi chiếc ghế Thủ tướng Anh thuộc về ông. Bên cạnh đó, việc đương kim Ngoại trưởng Hunt “mất điểm” nặng nề trước cuộc khủng hoảng tàu chở dầu với Iran vì không lường trước được nguy cơ xung đột đã củng cố thêm chiến thắng của ông Johnson.

Gỡ rối từ bên trong…

Dù đã đạt được thành công đầu tiên, song không khó để nhận ra hàng loạt thách thức mà tân Thủ tướng Boris Johnson phải đối mặt. Việc bà May chia tay ngôi nhà số 10 phố Downing đã để lại cho người kế nhiệm “di sản” là một chính trường Anh chia rẽ và phân cực vì kế hoạch Brexit. Trên cương vị lãnh đạo nước Anh, nhà lãnh đạo 55 tuổi phải đối mặt với nhiều sức ép lớn và phải dẫn dắt London vượt qua nhiều khó khăn, trong đó điển hình là chèo lái con thuyền nước Anh ra khỏi EU đúng vào hạn chót 31/10 tới.

Là người luôn giữ quan điểm cứng rắn về Brexit, trong chiến dịch tranh cử kéo dài hơn 1 tháng, ông Johnson cam kết sẽ thảo luận với EU về một thỏa thuận Brexit mới, vì ông có “nhiều người bạn tốt” tại Brussels.

Tuy nhiên, kỳ vọng này của tân Thủ tướng Anh khó có thể được thực hiện, khi mà cả nước Anh lẫn đảng Bảo thủ cầm quyền đều đang bị chia rẽ nghiêm trọng bởi Brexit và tiến trình bầu chọn lãnh đạo vừa qua. Thêm vào đó, một loạt nghị sĩ chống đối trong đảng Bảo thủ đã cảnh báo rằng ông sẽ khó giữ ghế Thủ tướng Anh chừng nào còn theo đuổi phương án Brexit không thỏa thuận.

Trong tuyên bố mới nhất, 42 nghị sĩ chống đối ông Johnson của đảng Bảo thủ khẳng định sẽ tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu Thủ tướng có dấu hiệu thực thi chính sách “phiêu lưu” về Brexit.

Ngoài ra, các Bộ trưởng quan trọng trong Chính phủ Anh đã đồng loạt từ chức vì không muốn phục vụ trong chính phủ của tân Thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy Johnson. Danh sách này gồm Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, Bộ trưởng Tư pháp David Gauke, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Rory Stewart, cùng Ngoại trưởng Jeremy Hunt và Quốc vụ khanh phụ trách châu Âu và châu Mỹ Alan Duncan. Đây được cho là “giọt nước tràn ly”, phơi bày những mâu thuẫn và rạn nứt sâu sắc trên chính trường Anh trong thời gian qua.

Tân Thủ tướng cũng cần tránh vướng vào các scandal không đáng có. Gần đây nhất, ngay trước thềm bầu cử Thủ tướng, truyền thông Anh đã khơi lại việc ông Boris Johnson, khi còn trên cương vị Ngoại trưởng, từng là nạn nhân của cú điện thoại chơi khăm. Đóng giả Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, hai công dân Nga đã liên lạc với chính trị gia 55 tuổi và có cuộc điện đàm kéo dài đến 18 phút trước khi bị phát hiện. Ông Johnson được cho là đã đề cập đến căng thẳng trong quan hệ với Nga sau vụ cựu điệp viên Nga Skripals bị đầu độc tại London, song may mắn là ông đã không đi vào chi tiết.

Giờ đây, trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, ông Johnson cần thận trọng hơn bao giờ hết, tránh mắc phải những sai lầm hay sự cố đáng tiếc như cựu Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch.

…để đồng lòng Brexit

Bên cạnh các chia rẽ trong nội bộ nước Anh, chủ nhân mới của số 10 phố Downing sẽ đối mặt với thách thức lớn từ phía EU. Ông Johnson cần đàm phán được một thỏa thuận Brexit mới có lợi hơn dự thảo của bà Theresa May hồi tháng 11/2018, đồng thời giải quyết mối quan hệ căng thẳng với một EU đang nắm nhiều lợi thế.

Điều này không hề dễ dàng, bởi EU luôn từ chối mọi kịch bản đàm phán lại thỏa thuận Brexit, đặc biệt trong bối cảnh khối này vẫn chưa định hình bộ khung lãnh đạo mới dưới thời tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Thời hạn để Anh phải rời khỏi “mái nhà chung châu Âu” chỉ còn hơn 3 tháng nữa, trong đó có hơn 1 tháng chính trường các nước châu Âu tạm nghỉ Hè. Khả năng chính phủ của tân Thủ tướng Boris Johnson đạt được một điều gì đó mới về Brexit là gần như không có.

Kịch bản khả thi nhất là Brexit sẽ lại tiếp tục được tạm hoãn đến sau ngày 31/10 nếu tân Chủ tịch EC Ursula von der Leyen ủng hộ. Còn trong trường hợp ông Boris Johnson muốn thực thi Brexit bằng mọi giá, kể cả không thỏa thuận, nước Anh nhiều khả năng sẽ rơi vào một vòng xoáy khủng hoảng chính trị mới trầm trọng hơn.

Hải Yến

Hải Yến

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-boris-johnson-voi-hon-da-brexit-truoc-them-nha-so-10-pho-downing-98166.html