Thủ tướng: Cần phát huy thành quả kinh nghiệm trong 3 đợt dịch vừa qua
Chiều 7-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và cho ý kiến tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, hiện nay, cần tránh 2 khuynh hướng là lơ là chủ quan mất cảnh giác và tinh thần sợ sệt mất bình tĩnh. Trong lúc này phải hết sức bình tĩnh, thông minh, sáng suốt đánh giá nắm chắc tình hình để lựa chọn phương án xử lý cho phù hợp, làm sao vừa phát triển kinh tế, xã hội vừa chống dịch hiệu quả.
Thủ tướng cũng ghi nhận thời gian qua nhiều tỉnh, thành làm tốt công tác phòng, chống dịch nhưng một số địa phương vẫn lơ là, để xảy ra nhiều vấn đề đáng tiếc.
Thủ tướng đề nghị các địa phương cần phát huy thành quả kinh nghiệm trong 3 đợt dịch vừa qua để có bài học phòng, chống các đợt dịch tiếp theo tốt hơn, hiệu quả hơn. Cùng với đó, tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, phát huy hết sức mạnh đang có.
Thủ tướng cho rằng, càng khó, càng phức tạp thì phải càng huy động trí tuệ tập thể, phát huy hết nội lực để làm. Thực hiện chống dịch như chống giặc và đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là chủ quan nhưng cũng không lo sợ, mất bình tĩnh. Phòng cơ bản là chiến lược lâu dài, quyết định. Chống là giai đoạn thường xuyên, quyết liệt. Thủ tướng đề nghị các cơ sở phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện lỗ hổng để kịp thời ngăn chặn mầm bệnh.
Về vấn đề vắc-xin, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế nhanh chóng tiếp cận mọi cách, mọi nguồn, mọi quan hệ để mua được vắc-xin và khi vắc-xin có rồi thì sử dụng cho hiệu quả.
Chiều cùng ngày, tại TP HCM cũng diễn ra cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết hiện nay, qua kiểm tra trên hệ thống an toàn Covid-19, có rất nhiều trường học của TP HCM chưa thực hiện công tác tự đánh giá mức độ an toàn Covid-19 mà Bộ Y tế đã ban hành. Vì vậy, ông Đức đề nghị các địa phương nhắc nhở các trường phải tự đánh giá thực hiện nghiêm công tác này.
"Sau khi có kết quả đánh giá xong nếu trường nào không an toàn phải có biện pháp khắc phục. Sau ngày 10-5, khi các em không đi học thì các đơn vị này phải làm việc để củng cố" - ông Đức nhấn mạnh.
Theo ông Đức, hiện tại thành phố có những hoạt động thiết yếu vẫn phải điều chỉnh. Cụ thể, tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM than phiền, một số đơn vị không cho tổ chức hiến máu. Việc này sẽ ảnh hưởng đến công tác chữa trị cho người dân thành phố và khu vực.
"Hoạt động này không nằm trong danh mục bị cấm nhưng vẫn nằm trong danh mục khi tổ chức phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Vì vậy, đề nghị địa phương hỗ trợ" - ông Đức yêu cầu.
Ngoài ra, các bệnh viện nằm ở địa phương nào thì địa phương đó phải có trách nhiệm kiểm tra an toàn. Đặc biệt, hiện nay, đang siết chặt đeo khẩu trang và giãn cách. Tuy nhiên, một số bệnh viện tuyến cuối lượng bệnh nhân khám bệnh rất đông. Do đó, đề nghị địa phương hỗ trợ và xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang.
"Tổ chức các đội có thành phần phù hợp để kiểm tra, xử phạt, đặc biệt về việc không đeo khẩu trang trong bệnh viện. Vì các bác sĩ không có chức năng xử phạt" - ông Đức nói.
Ngoài ra, ông Đức cũng đề nghị các địa phương tiếp tục phát huy tác dụng của tổ Covid-19 trong cộng đồng. "Đây là yếu tố quan trọng vì hiện nay lực lượng mỏng nên nếu phát huy được vai trò của người dân thì công việc sẽ nhẹ hơn, và hiệu quả hơn rất nhiều" - ông Đức nhấn mạnh.