Thủ tướng Canada lặp lại lịch sử của cha sau 50 năm
Thủ tướng Justin Trudeau trở thành lãnh đạo Canada duy nhất ban bố tình trạng khẩn cấp trong thời bình kể từ khi cha ông làm điều tương tự cách đây 50 năm.
Thủ tướng Justin Trudeau hôm 14/2 đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi các cuộc biểu tình của tài xế xe tải nổ ra trên toàn quốc nhằm phản đối việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa Covid-19 nếu muốn đi lại qua biên giới, theo Reuters.
Ông Trudeau đã công bố một loạt biện pháp cứng rắn để chặn tài trợ cho cuộc biểu tình, bao gồm việc cho phép ngân hàng đóng băng các tài khoản liên quan đến biểu tình mà không cần lệnh của tòa án và triển khai cảnh sát liên bang để giải tán đám đông gây ùn tắc nhiều tuyến đường.
Bất chấp những điểm tương đồng rõ ràng, các nhà sử học nói rằng có sự khác biệt lớn giữa tuyên bố của Justin Trudeau và tuyên bố tương tự của cha ông vào tháng 10/1970.
Đạo luật Tình trạng Khẩn cấp
Ông Pierre Trudeau - Thủ tướng Canada khi đó - đã phải đối phó với một nhóm chiến binh nhỏ đòi ly khai Quebec, bắt cóc một nhà ngoại giao và người đứng đầu một sở vụ ở địa phương.
Khi được một phóng viên hỏi rằng liệu ông sẽ hành động cứng rắn đến mức nào, ông Pierre Trudeau trả lời: “Hãy xem”. Câu nói này sau đó trở thành một trong những câu cửa miệng chính của các chính trị gia Canada.
Ba ngày sau, ông viện dẫn Đạo luật Biện pháp Chiến tranh, tiền thân của Đạo luật Tình trạng khẩn cấp, gửi quân đến Quebec và các tỉnh khác. Cuộc khủng hoảng kết thúc, nhưng chỉ sau khi nhóm ly khai kết liễu vị quan chức bị bắt cóc.
50 năm sau, con trai của ông - Justin Trudeau - đang đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2015.
Justin Trudeau đã nói rõ ràng ông vốn không có ý định triển khai quân đội để chấm dứt các cuộc biểu tình do tài xế xe tải tổ chức.
Thủ tướng đương nhiệm cho biết cơ sở hành động của mình dựa trên Đạo luật về Tình trạng Khẩn cấp năm 1988, do cơ quan thực thi pháp luật cần giúp đỡ.
“Việc này là để giữ an toàn cho người dân Canada, bảo vệ công ăn việc làm của mọi người và khôi phục niềm tin vào các thể chế của chúng ta”, ông khẳng định.
Ngay sau khi các cuộc biểu tình bắt đầu, "Đạo luật Khẩn cấp" nhanh chóng trở thành chủ đề thịnh hành trên mạng xã hội khi một số người Canada kêu gọi chính phủ liên bang hành động, vì tin rằng cảnh sát không giải quyết được tình hình.
Người dân Canada cũng từng yêu cầu ông Trudeau thi hành đạo luật này vào đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 tấn công đất nước, với hy vọng sẽ giúp hạn chế đi lại. Chính phủ đã không nghe theo lời kêu gọi, nói rằng đó là biện pháp cuối cùng.
Khác biệt
Hành động này của Thủ tướng Trudeau đã vấp phải nhiều chỉ trích.
Leah West, giáo sư và chuyên gia an ninh quốc gia tại Đại học Carleton của Ottawa, cho biết tình trạng mà Canada đang đối mặt không phải là loại được liệt kê trong đạo luật về tình trạng khẩn cấp của đất nước.
"Tôi thực sự sốc khi chính phủ Canada vẫn thực sự tin rằng sự kiện này đáp ứng định nghĩa (về tình trạng khẩn cấp) để thi hành đạo luật", bà nói với Canadian Broadcasting Corp.
"Điều đáng chú ý về tình trạng hiện nay ở Canada là không có bạo lực", giáo sư danh dự Nelson Wiseman của Đại học Toronto nhấn mạnh.
Maxime Bernier, lãnh đạo đảng Nhân dân Canada, người phản đối mạnh mẽ các quy định về vaccine, đã lên tiếng mỉa mai về quyết định của thủ tướng. Ông thậm chí còn xuất hiện tại cuộc biểu tình ở Ottawa.
"Ông Trudeau viện dẫn Đạo luật về Tình trạng khẩn cấp lần đầu tiên kể từ khi cha ông ấy làm như vậy hơn 50 năm trước, không phải vì trường hợp này thực sự khẩn cấp, hay đó là mối đe dọa lớn đối với an ninh của người dân Canada, mà là vì ông ấy đang mất mặt", ông Bernier viết trên Twitter.
Hôm 11/2, khi được gợi nhắc về hành động tương tự của cha mình vào năm 1970, ông Justin Trudeau trả lời: “Các giá trị của tôi có qua cách tôi được nuôi dưỡng, không chỉ bởi cha tôi mà còn bởi người Canada”. Ông cũng nói thêm rằng “mọi tình huống đều khác nhau”.
Quốc hội Canada đã chấp thuận việc sử dụng các biện pháp này trong vòng 7 ngày và có quyền thu hồi các biện pháp đó.