Thủ tướng: Cấp thiết kiến tạo động lực tăng trưởng mới; tiền lương khu vực công và khu vực tư sẽ tiệm cận nhau

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới là yêu cầu cấp thiết. Nhà nước đang tiến hành cải cách chính sách tiền lương với khu vực công, đồng thời hướng tới mục tiêu tiền lương của hai khu vực tiệm cận nhau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kiến tạo động lực tăng trưởng mới là yêu cầu cấp thiết, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo "không giới hạn" cùng nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là động lực tăng trưởng mới và giáo dục đại học là trụ cột quan trọng cho sự phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kiến tạo động lực tăng trưởng mới là yêu cầu cấp thiết, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo "không giới hạn" cùng nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là động lực tăng trưởng mới và giáo dục đại học là trụ cột quan trọng cho sự phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 16/11, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai khóa năm 2023 của Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM) và giao lưu với các sinh viên, học sinh của Đại học này.

Cùng tham dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TPHCM Vũ Hải Quân; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo TPHCM và các địa phương trong khu vực.

Từ nhiều năm nay, lễ khai khóa đã trở thành truyền thống của ĐHQG TPHCM, được tổ chức vào đầu năm học mới nhằm khơi dậy niềm tự hào, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của sinh viên nhà trường, chuẩn bị hành trang cho một năm học mới.

Chủ đề của lễ khai khóa năm 2023 là: Giáo dục đại học và vai trò kiến tạo động lực tăng trưởng nhanh và bền vững cho đất nước trong giai đoạn mới".

Khẳng định vị thế tiên phong trong nền giáo dục đại học Việt Nam

Sau hơn 28 năm xây dựng và phát triển, đến nay ĐHQG TPHCM đã trở thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng như: kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế - luật, khoa học sức khỏe, sư phạm, nông nghiệp…, khẳng định vị thế tiên phong trong nền giáo dục đại học Việt Nam, từng bước chuẩn hóa và hội nhập với khu vực và thế giới.

ĐHQG TPHCM đã và đang hình thành một hệ thống các trường đại học hiện đại trong quản lý, xuất sắc về đào tạo, đột phá về KHCN, đổi mới sáng tạo và khai thác triệt để quyền tự chủ gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao mô hình ĐHQG TPHCM mở các phân hiệu tại các địa phương, nhất là tại ĐBSCL.

ĐHQG TPHCM ở vị trí tiên phong về số lượng và chất lượng các chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế, về số lượng các công trình nghiên cứu ứng dụng KHCN và phục vụ cộng đồng, về vị trí trên các bảng xếp hạng đại học quốc tế.

Đến nay, ĐHQG TPHCM thuộc top 1.000 các trường đại học tốt nhất thế giới; có nhiều ngành, nhóm ngành và lĩnh vực được vinh danh với 09 nhóm ngành học đạt vị trí cao; có 5/9 ngành học đứng đầu Việt Nam, gồm các ngành: Kỹ thuật dầu khí, kỹ thuật điện và điện tử, kỹ thuật hóa học, khoa học môi trường và hóa học

Theo Thủ tướng, các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có ĐHQG TPHCM phải phát huy hơn nữa vai trò của mình trong thực hiện mục tiêu đào tạo, tìm kiếm nhân tài, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có ĐHQG TPHCM phải phát huy hơn nữa vai trò của mình trong thực hiện mục tiêu đào tạo, tìm kiếm nhân tài, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo không ngừng được đổi mới theo hướng hiện đại. Công tác tuyển sinh được cải tiến và triển khai một cách đồng bộ với phương thức ngày càng đa dạng, phù hợp.

ĐHQG TPHCM đã hình thành một hệ thống trên 100 phòng thí nghiệm (gồm 2 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 11 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQG và các phòng thí nghiệm cấp khoa). Đồng thời, đã thiết lập quan hệ với các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học hàng đầu trong nước và thế giới.

ĐHQG TPHCM là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về công bố khoa học, đặc biệt là trên các tạp chí quốc tế uy tín trong danh mục cơ sở dữ liệu web of science, scopus.

Cơ hội và thách thức với giáo dục đại học của Việt Nam

Phát biểu tại lễ khai khóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết dành nhiều thời gian phân tích về vai trò của giáo dục đại học đối với sự phát triển. Theo đó, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã xác định: Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Đây là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững.

Giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển, góp phần nâng cao dân trí, đặc biệt là cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Ngày nay, cùng với chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục đại học đang thay đổi và phát triển đa dạng. Đặc biệt, công nghệ thông tin (bao gồm trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và trực tuyến hóa) được tích hợp vào quá trình dạy và học, tạo môi trường tương tác và hấp dẫn hơn, phát triển tư duy sáng tạo, tăng khả năng làm việc độc lập của người học.

Xu hướng hợp tác toàn cầu và học tập xuyên quốc gia với cơ hội tiếp cận giáo dục đại học được mở rộng. Hợp tác giữa các trường đại học trên toàn thế giới được đẩy mạnh, tạo ra môi trường học tập đa văn hóa và cung cấp cơ hội nhiều hơn cho sinh viên tham gia vào học tập và nghiên cứu ở các môi trường khác nhau.

Giáo dục đại học ngày càng thúc đẩy tư duy sáng tạo, trang bị kỹ năng, tăng tính chủ động, tạo môi trường học tập tương tác; truyền đạt kiến thức, phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng như tư duy phản biện, giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tạo lập môi trường chủ động, tăng cường tương tác trong quá trình giảng dạy-học tập; hướng tới đào tạo những "công dân toàn cầu".

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự lễ khai khóa năm 2023 của ĐHQG TPHCM và giao lưu với các sinh viên, học sinh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự lễ khai khóa năm 2023 của ĐHQG TPHCM và giao lưu với các sinh viên, học sinh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Giáo dục đại học tập trung vào khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng công nghệ, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn mang tính toàn cầu.

Theo Thủ tướng, bối cảnh và sự phát triển của giáo dục đại học trên thế giới mang lại nhiều thời cơ, vận hội nhưng cũng tạo ra không ít khó khăn, thách thức mới đối với giáo dục đại học Việt Nam.

Với quan điểm giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm phát triển giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng; nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành và triển khai hiệu quả, mang lại những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã công nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục đại học, trong đó có cải thiện chương trình học, năng lực giảng dạy, tạo điều kiện tốt hơn cho sinh viên học tập và nghiên cứu.

Giáo dục đại học Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tạo ra ngày càng nhiều cơ hội cho sinh viên, giảng viên tiếp cận với kiến thức và trải nghiệm quốc tế; đồng thời, tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực và kết quả tích cực mà các thế hệ lãnh đạo, tập thể cán bộ, nhà khoa học, giảng viên, người lao động, học viên, sinh viên ĐHQG TPHCM đã đạt được trong 28 năm xây dựng và phát triển, thực hiện sứ mệnh làm đầu tàu, nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học phía Nam và cả nước, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới là yêu cầu cấp thiết

Phân tích về định hướng phát triển giáo dục đại học giai đoạn mới, Thủ tướng cho biết, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường: Cạnh tranh thương mại giữa các nước; hậu quả đại dịch COVID-19 kéo dài; xung đột quân sự; các vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, nghèo đói và bệnh tật, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên…

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra những mục tiêu phát triển cụ thể cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), chúng ta phải kiến tạo những động lực tăng trưởng mới để phát triển nhanh và bền vững, "đi sau nhưng về trước", "bắt kịp, tiến cùng và vượt lên".

Theo Thủ tướng, phát triển bền vững trở thành xu hướng bao trùm trên thế giới. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, có nhiều đột phá mới, tác động sâu rộng và đa chiều.

Giáo dục đại học đối mặt với nhiều thách thức mới: Áp lực tự điều chỉnh, đổi mới sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các lĩnh vực mới nổi như công nghiệp chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, hydrogen…; toàn cầu hóa, sức cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài ngay tại Việt Nam; vấn đề cân đối nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học…

"Chính vì vậy, kiến tạo động lực tăng trưởng mới để phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu cấp thiết đặt ra", Thủ tướng khẳng định.

Giám đốc ĐHQG TPHCM Vũ Hải Quân phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Giám đốc ĐHQG TPHCM Vũ Hải Quân phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia phát triển cho thấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là động lực tăng trưởng mới; giáo dục đại học là trụ cột quan trọng cho sự phát triển này.

Những thập niên vừa qua, thế giới chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Trung Quốc nhờ vào chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực, động lực quan trọng của sự phát triển. Tất cả các chính sách đều xuất phát từ con người và phục vụ con người.

Nhấn mạnh "đổi mới sáng tạo là không có giới hạn", Thủ tướng cho rằng để tạo động lực tăng trưởng mới, cần khuyến khích tư duy sáng tạo và đổi mới; tạo ra môi trường thúc đẩy việc thử nghiệm ý tưởng mới, khám phá các phương pháp tiếp cận khác nhau và khuyến khích tinh thần sáng tạo trong mọi khía cạnh của đời sống.

Cùng với đó, cần chú trọng khai thác công nghệ 4.0, sử dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, cải tiến quy trình làm việc và tạo ra mô hình kinh doanh sáng tạo là cách để tạo ra động lực tăng trưởng mới, hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Hiện nay, chúng ta đang cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh và bền vững; chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi; trong đó, phấn đấu đào tạo được 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030.

Theo Thủ tướng, các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có ĐHQG TPHCM phải phát huy hơn nữa vai trò của mình trong thực hiện mục tiêu đào tạo, tìm kiếm nhân tài, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thủ tướng giao lưu, chia sẻ nhiều vấn đề thời sự, cũng như các vấn đề đang được thế hệ trẻ quan tâm với các sinh viên trường ĐHQG TPHCM - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng giao lưu, chia sẻ nhiều vấn đề thời sự, cũng như các vấn đề đang được thế hệ trẻ quan tâm với các sinh viên trường ĐHQG TPHCM - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát triển ĐHQG TPHCM thuộc nhóm hàng đầu châu Á

Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: "Phát triển ĐHQG TPHCM theo hướng trọng tâm, trọng điểm đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á".

Thủ tướng đánh giá cao ĐHQG TPHCM đã nhanh chóng xây dựng Đề án phát triển ĐHQG TPHCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á. ĐHQG TPHCM cần sớm hoàn thiện Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trên cơ sở đó phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án để đến năm 2030, nằm trong nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á, góp phần quan trọng trong kiến tạo động lực tăng trưởng mới nhanh và bền vững cho vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung, nhất là tại vùng ĐBSCL

Trên tinh thần đó, với quan điểm "nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh, sinh viên là trung tâm", Thủ tướng lưu ý một số nội dung sau.

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, sinh viên, học viên chương trình tài năng các ngành khoa học cơ bản, thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản.

Thứ hai, chú trọng thu hút, trọng dụng và phát triển đội ngũ các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành, đam mê nghiên cứu.

Thứ ba, tập trung xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và các vấn đề xã hội nổi lên, thuộc nhóm hàng đầu châu Á.

Thứ tư, phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối với vùng và khu vực châu Á, trên tinh thần "hội tụ trí tuệ và lan tỏa lợi ích".

Thứ năm, phát triển nguồn lực tài chính bền vững và xây dựng Khu đô thị ĐHQG TPHCM xanh, hiện đại và bản sắc.

Chia sẻ với các học sinh, sinh viên, Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để các bạn học tập, rèn luyện, nghiên cứu, sáng tạo; trang bị cho các bạn hành trang đầy đủ nhất để bước vào đời, để trở thành những công dân toàn cầu.

"Các bạn là chủ nhân tương lai của đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới từng khẳng định: "Thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên". Với khát vọng và nhiệt huyết cống hiến, các bạn cần phát huy mạnh mẽ truyền thống tiên phong trong học tập, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc", Thủ tướng nhắn nhủ.

Thủ tướng mong học sinh, sinh viên ĐHQG TPHCM cần chủ động, tích cực tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, nâng cao năng lực cá nhân; đặt mục tiêu học tập, nghiên cứu rõ ràng, phát triển khả năng tự học và nâng cao năng lực chuyên môn.

Cũng theo Thủ tướng, tuổi trẻ phải có lý tưởng, hoài bão, ước mơ, khát vọng, phải dấn thân, dám nghĩ, dám nói, dám làm, phải trải nghiệm và cống hiến; do vậy các bạn cần tích cực tham gia vào hoạt động xã hội và tình nguyện, tham gia vào các dự án và chương trình liên quan đến phát triển cộng đồng, nhất là giúp đỡ những người yếu thế.

Cùng với đó, tích cực sáng tạo và tư duy phản biện bằng cách tham gia vào các dự án và cuộc thi liên quan đến lĩnh vực quan tâm và có thế mạnh. Tích cực học hỏi và tìm kiếm cơ hội trong các chương trình giao lưu quốc tế. Mạnh dạn tham gia vào các chương trình trao đổi quốc tế, trải nghiệm học tập ở các quốc gia khác để mở rộng tầm hiểu biết; hợp tác với sinh viên, học sinh từ các quốc gia khác để học hỏi và chia sẻ kiến thức, ý tưởng và kinh nghiệm.

Đồng thời, khám phá cơ hội khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo ra các ý tưởng mới và ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn; chủ động tham gia vào các chương trình, sự kiện khởi nghiệp để học hỏi từ những người thành công và xây dựng mạng lưới trong cộng đồng khởi nghiệp.

Thủ tướng và đoàn công tác đặt hoa tại tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được đặt ở vị trí trang trọng trong khuôn viên nhà điều hành ĐHQG TPHCM - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng và đoàn công tác đặt hoa tại tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được đặt ở vị trí trang trọng trong khuôn viên nhà điều hành ĐHQG TPHCM - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cũng mong các học sinh, sinh viên mạnh dạn tham gia đóng góp ý kiến trong việc xây dựng chính sách và ra quyết định của các cấp chính quyền; tham gia tích cực vào các diễn đàn thảo luận, cuộc họp và sự kiện chính trị, kinh tế và xã hội.

"Với truyền thống nghìn năm văn hiến, dũng cảm, anh hùng của dân tộc ta; với một thế hệ trẻ tràn đầy nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, nhiều ước mơ, nhiều năng lượng như những gương mặt tôi gặp gỡ ngày hôm nay, tôi tin tưởng những đam mê, ước mơ, hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng, chắp cánh và trở thành hiện thực, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng chúc ĐHQG TPHCM luôn xứng đáng là ngọn cờ đầu của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và tiếp tục có bước phát triển mới, đột phá, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới, Thủ tướng chúc các thế hệ thầy giáo, cô giáo, giảng viên ĐHQG TPHCM nói riêng và toàn thể đội ngũ nhà giáo trên toàn quốc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Tiếp cận bình đẳng với tất cả các mục tiêu phát triển

Cũng tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao đổi, trả lời các câu hỏi của sinh viên ĐHQG TPHCM.

Trả lời câu hỏi của em Nguyễn Thị Hương Nguyên, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn về giải pháp thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học, Thủ tướng khẳng định sự ưu việt và mục tiêu của chế độ ta là tiếp cận bình đẳng với tất cả các mục tiêu phát triển, trong đó có tiếp cận giáo dục đại học.

Trong điều kiện khó khăn, Đảng, Nhà nước ta có cơ chế, chính sách để các đối tượng khác nhau, như học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các đối tượng khó khăn… có điều kiện tiếp cận đại học.

Đơn cử, có hệ thống các trường nội trú để học sinh vùng sâu, vùng xa… có thể theo học phổ thông, từ đó có điều kiện để học đại học. Cùng với đó là các giải pháp như thực hiện bình đẳng giới trong tiếp cận giáo dục… Các địa phương phải thực hiện đúng chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và thực hiện phù hợp điều kiện, hoàn cảnh từng địa phương.

Triển khai một loạt dự án giao thông trọng điểm tại ĐBSCL

Em Phan Hoàng Anh, sinh viên Trường Đại học An Giang (thuộc ĐHQG TPHCM) cho biết, em đã rất háo hức và đi từ 7h để lên TPHCM dự lễ khai khóa; đặt câu hỏi về những chiến lược hay đề án trọng điểm nào để tiếp tục kiến tạo không gian phát triển mới cho vùng ĐBSCL, tăng cường kết nối giao thông nội bộ vùng cũng như kết nối ĐBSCL với các vùng lân cận?

Về câu hỏi này, Thủ tướng cho rằng ĐBSCL là vùng sông nước có truyền thống văn hóa-lịch sử hào hùng, có bản sắc riêng và khó khăn riêng. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta là phát triển đồng đều tất cả các vùng miền.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhắc tới những điểm yếu của ĐBSCL là hạ tầng và nhân lực, triển khai các đột phá chiến lược mà Đảng đã xác định, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch ĐBSCL và quy hoạch các phương thức giao thông (đường bộ, sân bay, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải).

Hiện chúng ta đang ưu tiên triển khai xây dựng hệ thống cao tốc trục ngang và trục dọc tại ĐBSCL; nghiên cứu, triển khai một số cảng lớn như Cái Cui, Trần Đề, cảng tại Trà Vinh…; xây dựng nhanh các cảng thủy nội địa để khai thác tối đa lợi thế sông nước; nghiên cứu triển khai xây dựng đường sắt TPHCM-Cần Thơ.

Một vấn đề lớn với ĐBSCL là ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho biết gần đây nhất, đang chỉ đạo triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL.

Thủ tướng và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với thầy và trò ĐHQG TPHCM - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với thầy và trò ĐHQG TPHCM - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cải cách chính sách tiền lương hướng tới mục tiêu tiền lương khu vực công và khu vực tư sẽ tiệm cận nhau

Trong khi đó, em Trần Thị Kiều Anh (Trường Đại học Kinh tế-Luật) chia sẻ với Thủ tướng rằng mức lương, chế độ đãi ngộ đang là những rào cản khiến nhiều sinh viên ra trường, nhất là sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc băn khoăn hoặc chưa mặn mà về làm việc tại khu vực công. Các em cũng băn khoăn về việc có nên về quê làm việc sau khi tốt nghiệp không.

Thủ tướng cho rằng, dù làm ở khu vực công hay tư, dù ở nơi mình sinh ra hay ở nơi nào khác trên đất nước Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước, miễn là cống hiến được tốt nhất, đóng góp được nhiều nhất, có lợi cho gia đình, bản thân, xã hội và đất nước thì đều được. Mỗi người có lựa chọn của riêng mình, phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. "Đất nước ta là một, nơi nào cũng là quê hương", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, ở mỗi khu vực đều có những thuận lợi và khó khăn, như làm việc tại khu vực công nhìn chung ổn định hơn nhưng thu nhập có thể thấp hơn khu vực tư. Nhà nước có chính sách với cả khu vực công và khu vực tư, như đang tiến hành cải cách chính sách tiền lương với khu vực công, đồng thời hướng tới mục tiêu tiền lương của hai khu vực tiệm cận nhau.

Bên cạnh đó, để cải thiện môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ trong khu vực công để thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao, Chính phủ đã ban hành Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ…; Nghị định 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thủ tướng cũng cho rằng, điều rất quan trọng là tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa khu vực công và khu vực tư trong thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao, qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước. "Mục tiêu lớn nhất là làm cho nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc, trong đó có các bạn sinh viên mới ra trường, dù là làm việc ở khu vực công hay khu vực tư", Thủ tướng nói./.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/thu-tuong-cap-thiet-kien-tao-dong-luc-tang-truong-moi-tien-luong-khu-vuc-cong-va-khu-vuc-tu-se-tiem-can-nhau-119231116175851818.htm