Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT sớm hoàn thành kết nối chia sẻ dữ liệu về đất đai

Thủ tướng cũng yêu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án chuyển đổi số, quyết tâm thực hiện tốt chương trình chuyển đối số quốc gia.

Chiều nay (10/3), Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử tổ chức cuộc họp sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 17, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban. Từ những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, năm 2020, xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng 3 bậc so với năm 2016, lên vị trí 86 trong số 193 quốc gia, đóng góp quan trọng vào cải cách hành chính.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ (VPCP), một trong những dấu ấn đặc biệt trong xây dựng Chính phủ điện tử là khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (ngày 9/12/2019) với 8 dịch vụ công ban đầu, đến ngày 8/3/2021 đã có hơn 2.800 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.800 thủ tục hành chính với hơn 116 triệu lượt truy cập; trên 940.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 67.000 giao dịch thanh toán điện tử với tổng số tiền hơn 26,7 tỷ đồng trên Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 53.000 cuộc gọi, hơn 10.000 phản ánh, kiến nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Những con số này cho thấy sự quan tâm rất lớn cũng như kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng một cổng tập trung để thực hiện các giao dịch trực tuyến với Chính phủ. Chi phí tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia là hơn 8.100 tỷ đồng/năm.

Việc xây dựng, vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia và xử lý văn bản trên môi trường mạng cũng giúp tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm từ tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian... Tính đến nay, đã có hơn 4,5 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong năm 2020 gấp 2,5 lần so với năm 2019.

Một điểm nhấn nữa là Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được khai trương, là hạ tầng số thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số phù hợp theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, hệ thống đã kết nối với Hệ thống báo cáo của 14 bộ, cơ quan và 37 địa phương.

Các hệ thống thông tin do Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai nêu trên được đưa vào vận hành giúp tiết kiệm chi phí xã hội ước tính trên 9.900 tỷ đồng/năm (theo cách tính của OECD) và nhận được phản hồi tích cực của xã hội.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng dẫn ra báo cáo của Liên hợp quốc về Chính phủ điện tử năm 2020, Việt Nam xếp thứ 86 trong số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, qua đó thấy nước ta có nhiều cố gắng về xây dựng Chính phủ điện tử. Thế nhưng, so với năm 2018, Việt Nam vẫn có vị trí không đổi là thứ 6 trong khối ASEAN.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong đó có thể chế, yếu tố mang tính quyết định của xây dựng Chính phủ điện tử, đã có một số kết quả tích cực. Các nền tảng Chính phủ điện tử được tập trung phát triển, trong đó có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc được phát triển và hình thành theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, bao gồm nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia và nền tảng tích hợp dữ liệu chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh. Đặc biệt, một số cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng và phát huy hiệu quả như cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm y tế, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Song song với xây dựng Chính phủ điện tử, các bộ ngành thực hiện tốt an toàn, an ninh mạng, bảo vệ thông tin. Các dịch vụ công được phát triển cùng với xây dựng Chính phủ điện tử và hiện tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đạt 31%. Một số địa phương đã đạt 100% dịch vụ công trực tuyến.

Thủ tướng cũng đánh giá cao các bộ, ngành địa phương đã nỗ lực thực hiện chiến lược chuyển đổi số. Đến nay đã có trên 5% các bộ, ngành, địa phương xây dựng và bắt đầu triển khai các chương trình đề án chuyển đổi số, một giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng cũng đánh giá cao các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam dần làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các công nghệ phục vụ chuyển đổi số.

Với việc ban hành Nghị quyết 17 của Chính phủ, lần đầu tiên nước ta có kế hoạch hành động tổng thể về triển khai Chính phủ điện tử ở Việt Nam, trong đó chú trọng thể chế và cơ sở dữ liệu dùng chung, vấn đề chúng ta chưa giải quyết được trong 20 năm qua.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu một số tồn tại như môi trường pháp lý của Chính phủ điện tử chưa hoàn thiện, nhất là cơ sở bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh xác thực điện tử…; tỷ lệ dịch vụ công cấp độ 4 còn thấp; cơ sở dữ liệu chậm được triển khai và chưa được kết nối khai thác hiệu quả. Vấn đề an ninh, an toàn mạng được tăng cường nhưng vẫn cần đầu tư đúng mức hơn.

Từ thực tế đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Cần thể chế, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số thời gian tới, giao các bộ, ngành trực tiếp xử lý, đặc biệt đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia tiếp tục hơn nữa, trong đó có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Có 15-17 trường chứ không phải ít, nhưng mới nói về định danh cá nhân. Làm sao giảm tối đa về thủ tục hành chính. Triển khai diện rộng cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là về cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và tháng 7/2021 hoàn thành kết nối chia sẻ dữ liệu theo quy định.

Trên cơ sở nền tảng của Chính phủ điện tử, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khai thác hiệu quả các dịch vụ cung cấp trên nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia; các bộ, ngành chủ động chia sẻ dữ liệu quốc gia thuộc phạm vi ngành mình cho các ngành khác để sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh lại 100% cơ quan, tổ chức nhà nước, thậm chí các doanh nghiệp lớn hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin.

Thủ tướng cũng yêu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án chuyển đổi số, quyết tâm thực hiện tốt chương trình chuyển đối số quốc gia…/.

Vũ Dũng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-chi-dao-bo-tnmt-som-hoan-thanh-ket-noi-chia-se-du-lieu-ve-dat-dai-842278.vov