Thủ tướng chỉ đạo công tác ứng phó tình hình hạn hán, xâm nhập mặn
Chiều 8-3, tại tỉnh Bến Tre, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Chính phủ, các Bộ, ngành T.Ư đã có buổi làm việc với lãnh đạo năm tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang và Cà Mau về công tác ứng phó tình hình hạn hán, xâm nhập mặn.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng gồm: Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông Vận tải; Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, xâm nhập mặn ở ĐBSCL xuất hiện sớm so với mùa khô năm 2015 – 2016, ở mức gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Trong đó, sản xuất nông nghiệp, toàn vùng đã xuống giống 1,54 triệu héc – ta lúa đông xuân, đã thu hoạch khoảng một triệu héc – ta. Thiệt hại do hạn, mặn khoảng 39.000 héc-ta, chiếm 1,2% tổng diện tích gieo sạ và bằng 9,6% so với đợt hạn, mặn lịch sử năm 2016.
Đối với nước sinh hoạt, toàn vùng có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn. Các hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt đang được các địa phương tăng cường giải pháp để cung cấp đủ nước.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã có kế hoạch chủ động ứng phó với hạn, mặn bằng các biện pháp công trình, phi công trình nhằm hạn chế thiệt hại như: đẩy mạnh xây dựng, vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi; chuyển dịch mùa vụ nhằm né mặn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; bảo vệ diện tích cây ăn quả; trang bị hệ thống máy lọc, mở rộng mạng lưới đường ống nước;tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin xâm nhập mặn đến người dân...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các tỉnh đã chủ động sáng tạo, năng động thực hiện các giải pháp cụ thể để ứng phó, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 04, kết luận của Thủ tướng. Vì vậy, thiệt hại về cây lúa không đáng kể, hạn mặn cao hơn nhưng thiệt hại chỉ bằng 9,6% so với năm 2016. Trong cái chung đó, nhân dân trong vùng có bước chuyển nhận thức rất rõ, cùng với chính quyền có giải pháp thích ứng bằng cách thay đổi phương thức sản xuất, dự trữ nước ngọt, chuyển thời vụ. Trước thách thức lớn, khốc liệt của biến đổi khí hậu, thay đổi thượng nguồn, nhờ việc áp dụng đồng bộ của giải pháp cứng và mềm nên chúng ta đã biến thách thức thành cơ hội, việc chuyển sản xuất lúa sớm giúp được mùa, được giá. Đối với năm công trình kiểm soát lớn kịp hoàn thành góp phần tích cực; hàng loạt đập tạm, giếng đào, kênh mương đã giải quyết kịp thời nước sản xuất, sinh hoạt cho nhiều vùng, địa phương giải quyết nước ngọt cho nhân dân.
Để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các tỉnh ĐBSCL tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chính phủ, Bộ Y tế để chủ động triển khai đồng bộ, không chủ quan dịch Covid – 19 đang diễn ra phức tạp trong thời gian qua. Chúng ta phải nắm chắc việc khai báo y tế, nắm chắc từng khu vực, từng hộ dân để khi có lây nhiễm thì khoanh vùng một cách chủ động theo hướng dẫn của BộY tế. Đồng thời, cần triển khai kịp thời Chỉ thị 01, Chỉ thị 02 và Chỉ thị 11 để Việt Nam có thắng lợi kép không chỉ ngăn ngừa dịch bệnh Covid – 19 thành công, mà phải hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội được Đảng và Nhà nước giao phó.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương liên quan tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 04 của Thủ tướng về giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, giảm thiệt hại hơn nữa cho sản xuất, ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt. Tiếp tục theo dõi, dự báo nguồn nước thượng nguồn sông Mê Kông, nguồn nước về ĐBSCL để thông tin kịp thời tới các cấp, các ngành. Phối hợp với địa phương đánh giá hiện trạng nguồn nước trên địa bàn để cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Không để hộ nào có nguy cơ thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là hộ nghèo, gia đình chính sách.
Thủ tướng đồng ý hỗ trợ khoảng 70 tỷ đồng mỗi tỉnh từ ngân sách Trung ương cho năm tỉnh ĐBSCL theo quy định để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn (như:bơm nước,nạo vét cửa lấy nước, kênh rạch; đắp đập tạm ngăn mặn trữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước; khoan giếng, kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; hỗ trợ thiết bị trữ nước, lọc nước, chi phí chở nước sinh hoạt,...). Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối họp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát các nội dung cấp bách cần hỗ trợ, đề xuất mức hỗ trợ cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sớm. Các địa phương phải chủ động bố trí ngân sách, hỗ trợ đúng người, đúng việc, không để thất thoát, chống tiêu cực. Bộ Xây dựng khẩn trương phối hợp Bộ NN&PTNT rà soát, có kế hoạch triển khai các công trình bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho vùng ĐBSCL, nhất là đối với vùng ven biển, vùng bán đảo Cà Mau, không để tình trạng bị động, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hằng năm.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn công tác khảo sát đập tạm trữ nước ngọt Ba Lai, cống ngăn mặn An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Đây là những giải pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn sau khi tỉnh Bến Tre có quyết định tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn. Qua khảo sát thực tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Tỉnh Bến Tre và các ngành liên quan phải quyết tâm thực hiện với tinh thần đến năm 2023, Bến Tre sẽ không còn mặn và đủ nước sạch, nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống của người. Đây là quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước. Đồng thời tỉnh cần rút kinh nghiệm thực tế từ đập tạm trữ ngọt Ba Lai, từ đó có tính toán căn cơ lâu dài để tạo nguồn nước ngọt phục vụ dân sinh trong những năm tiếp theo”.