Thủ tướng chỉ đạo đến xã phường: Sự lười biếng, thiếu trách nhiệm ở cơ sở được giải quyết
Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, người dân đánh giá rất cao việc Thủ tướng chỉ đạo, kiểm tra từ Trung ương tới xã, phường, thị trấn bất kể ngày đêm. Với cách làm rất mới này, sự lười biếng và thiếu trách nhiệm ở một số cơ sở được giải quyết.
Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, sát sao đến tận xã, phường, thị trấn với phương châm lấy xã phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ. Trước bối cảnh mới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo linh hoạt, chuyển trạng thái mục tiêu từ “Zero COVID” sang sống chung với dịch bệnh.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng “Hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" để kịp thời mở cửa nền kinh tế, khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Chính phủ không chỉ trong công tác phòng, chống dịch và ở tất cả các mặt của đời sống, xã hội đã được cử tri, nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học... ủng hộ, đánh giá cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra đột xuất ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội vào ngày 31/8/2021. Ảnh: TTXVN
Bài liên quan
Thủ tướng phê bình nghiêm khắc Bí thư Quận ủy Thanh Xuân để Sở Chỉ huy phường “khuyết” lãnh đạo
Sau phê bình nghiêm khắc của Thủ tướng, quận Thanh Xuân chỉ định Bí thư phường Thanh Xuân Trung
Thủ tướng phê bình nghiêm khắc việc giải ngân vốn đầu tư công dưới 40%
Sự lười biếng, thiếu trách nhiệm ở cơ sở được giải quyết
Trong phát biểu của mình tại cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa và xã hội cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, lắng nghe ý kiến nhân dân, tham khảo ý kiến chuyên gia và MTTQ, đưa ra các chính sách phù hợp thực tế và mang lại hiệu quả cao.
Cùng với đó, nhân dân đánh giá cao một số chủ trương, chính sách lớn trong thời gian qua như huy động lực lượng quân đội, công an, y tế chi viện các tỉnh, thành phố phía Nam phòng chống dịch; lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, huy động sức mạnh toàn dân vào cuộc chiến đấu này.
“Người dân đánh giá rất cao sáng kiến này của Chính phủ và trước hết là của Thủ tướng Chính phủ, nhất là việc Thủ tướng chỉ đạo, kiểm tra từ Trung ương tới xã, phường, thị trấn, tới địa bàn dân cư, kiểm tra bất kể ngày đêm, làm hệ thống chính quyền luôn trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu chống dịch”. Với cách làm rất mới này, sự lười biếng và thiếu trách nhiệm ở một số cơ sở được giải quyết. Cách làm có hiệu quả, góp phần rất quan trọng trong thành công bước đầu của công tác phòng chống dịch”, ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa và xã hội. Ảnh: Nhật Bắc
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương thì cho biết, người dân rất ủng hộ các thông điệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Thủ tướng Chính phủ như “sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết”. Thực tế tại Hà Nội, sau chỉ đạo của Thủ tướng là Thành phố phải tiêm xong mũi 1 cho toàn bộ dân số dưới 18 tuổi trong 1 tuần, với lời hiệu triệu của Thủ tướng “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”, vì thế người dân đã rất tự giác đi tiêm chủng.
Tương tự, chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã lay động trái tim các tầng lớp nhân dân, các nhà hảo tâm, tất cả mọi người đều thấy đây là chương trình thực sự nhân văn, cần thiết, khẩn trương, các cấp, các ngành vào cuộc tích cực. Hà Nội có khoảng 10 nghìn em học sinh gặp khó khăn, đến nay đã trao tặng được 8 nghìn máy tính bảng.
“Những lời hiệu triệu, thông điệp của Thủ tướng tạo thuận lợi cho chúng tôi trong tuyên truyền, vận động nhân dân. Dân vận khéo thì hiệu quả nhất bằng hành động của người lãnh đạo, người đứng đầu, cán bộ các cấp”, bà Nguyễn Lan Hương nói.
Thể hiện sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam
Tại các xã, phường, thị trấn, qua chỉ đạo kịp thời, thông suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch đã được các địa phương quán triệt và thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả. Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND phường Bạch Hạc (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trực tiếp xuống tận các xã, phường, thị trấn đảm bảo sự sâu sát, quyết liệt; từ đó, địa phương nhận được chỉ đạo một cách kịp thời, hiểu đúng, lĩnh hội và quán triệt ngay những chỉ đạo phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
“Nắm vững chỉ đạo của Thủ tướng lấy xã, phường làm pháo đài, lấy nhân dân là chủ thể trong phòng chống dịch. Phường đã đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch từ việc tuyên truyền, vận động người dân; các đoàn thể cũng đã tích cực tham gia, phối hợp với UBND phường để tuyên truyền tới từng hộ gia đình thực hiện tốt công tác phòng chống dịch”, Chủ tịch UBND phường Bạch Hạc nói.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, qua những cuộc Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo phòng, chống dịch, phường cũng học tập được những bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng chống dịch từ sự chia sẻ của các bộ, ngành, địa phương khác; từ đó, giúp cho phường thực hiện công tác này một cách tốt hơn.
Thượng tướng - Anh hùng LLVTND, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tướng - Anh hùng LLVTND, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhìn nhận: “Đại dịch lần này mang tính toàn cầu, diễn biến vô cùng phức tạp, kéo dài và chia thành nhiều đợt, các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đã nỗ lực để từng bước kiềm chế dịch bệnh. Có thể thấy, Chính phủ Việt Nam hết sức lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, đồng thời bám sát thực tiễn của nhân dân để xử lý phù hợp với từng giai đoạn”.
Ông Nguyễn Huy Hiệu cũng cho biết, MTTQ Việt Nam chính là nơi tập hợp được ý kiến của các tầng lớp nhân dân, phản ánh một cách trung thực về tình hình, diễn biến dịch bệnh từ cơ sở, để từ đó đề xuất cho Chính phủ các biện pháp phòng, chống dịch. Ngược lại, Chính phủ rất lắng nghe những ý kiến đó, kết hợp với ý kiến của các nhà khoa học và kinh nghiệm của thế giới, cho nên từng đợt dịch đã xử lý vấn đề rất linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm.
“Rút kinh nghiệm từ thực tế và từ nhiều nước trên thế giới về vấn đề xử lý đại dịch COVID-19 nên Chính phủ Việt Nam đã sáng tạo, linh hoạt trong việc phát huy cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Qua đó, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đánh giá.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng COVID-19, từ đó kiểm soát được dịch bệnh kết hợp với vấn đề bảo đảm phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”; Việt Nam phải sản xuất được vắc-xin thì mới chủ động và ổn định phát triển kinh tế - xã hội.
“Tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thời gian qua. “Chống dịch cũng như chống giặc”, vì thế, các tầng lớp nhân dân trong xã hội đều tham gia tích cực, chủ động, có nhiều nhân tố tiêu biểu. Không chỉ huy động lực lượng y tế mà Chính phủ còn huy động cả sức mạnh của lực lượng vũ trang, gồm 3 thứ quân là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ… phát huy thế mạnh của chiến tranh nhân dân trong điều kiện “chống dịch như chống giặc”. Chính sự chỉ đạo sát sao, linh hoạt của Chính phủ đã góp phần giảm bớt được số ca tử vong, số ca lây nhiễm. Dần dần chúng ta phải thích ứng, từng bước “sống chung” với dịch trong điều kiện “bình thường mới””, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh.