Thủ tướng chỉ đạo giải quyết vướng mắc tại Dự án BOT Đèo Cả

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 7051/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các vướng mắc tại Dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả.

Trạm thu phí BOT hầm đường bộ Đèo Cả

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục rà soát, cập nhật lại phương án tài chính của Dự án theo đúng các ý kiến chỉ đạo trước đó của lãnh đạo Chính phủ và kiến nghị của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,Tư pháp và Nhà đầu tư đề xuất phương án xử lý tổng thể cho Dự án, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng hợp đồng đã ký kết, đúng quy định, chặt chẽ về mặt pháp lý và hài hòa lợi ích, trách nhiệm của các bên liên quan; trong đó, xác định rõ mức vốn nhà nước tham gia đầu tư và cơ sở pháp lý áp dụng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2020.

Thủ tướng giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,Tư pháp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và tham gia ý kiến đầy đủ, cụ thể đối với các nội dung có liên quan.

Theo hợp đồng ký kết giữa Công ty CP Đầu tư Đèo Cả và Bộ GTVT, Dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân) có tổng mức đầu tư 21.612 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà đầu tư huy động là 16.564 tỷ đồng, vốn nhà nước tham gia hỗ trợ là 5.048 tỷ đồng (23,53%).

Trên cơ sở sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Dự án được phép sử dụng 7 trạm thu phí để hoàn vốn, gồm An Dân, Đèo Cả, Ninh Lộc, Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan và trạm Bắc Hải Vân.

Hiện nay, các hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Riêng Dự án thành phần mở rộng hầm Hải Vân 2 đang được nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong quý IV/2020.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đã phát sinh một loạt yếu tố, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tài chính cũng như phương án trả nợ các khoản vay cho tổ chức tín dụng trong nước.

Trong số các nguyên nhân làm lệch phương án tài chính tại công trình hạ tầng BOT có quy mô vốn lớn nhất được triển khai trên trục Bắc - Nam, đáng kể nhất là việc thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan chưa thể thực hiện được như hợp đồng đã ký, do thay đổi cơ chế chính sách; phần vốn Nhà nước (1.180 tỷ đồng, trong số 5.048 tỷ đồng đã cam kết) tham gia Dự án chưa được giải ngân do thay đổi về kế hoạch phân bổ nguồn vốn từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm trong khu vực như: Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô, Khu kinh tế Vân Phong, Nhà máy Lọc dầu Nhơn Hội… chưa thể triển khai cũng khiến lưu lượng xe thực tế hụt sâu so với phương án tài chính.

Liên quan đến 1.180 tỷ đồng chưa cấp đủ cho Dự án, trong văn bản số văn bản số 6341/BGTVT-ĐTCT về việc vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án và trạm thu phí La Sơn - Túy Loan hoàn vốn cho Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 6/2020, Bộ GTVT đề xuất phương án bố trí ngay 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung và nguồn dự phòng 10%. Phần vốn còn lại, Bộ GTVT đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cân đối trong năm 2020, 2021 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-tuong-chi-dao-giai-quyet-vuong-mac-tai-du-an-bot-deo-ca-post93508.html