Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64 về quyên góp, hỗ trợ

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 8876/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14-5-2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Ý kiến của Thủ tướng nêu rõ, để việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo bảo đảm hiệu quả, kịp thời, khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân, tại phiên họp thường kỳ tháng 8-2020, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ các bộ, ngành, cơ quan liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, xây dựng Nghị định nêu trên để thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14-5-2008 của Chính phủ, trình Chính phủ theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi trách nhiệm của mình khẩn trương phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp, Hội Chữ thập đỏ và các cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động cứu trợ đúng địa chỉ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng giữa các đối tượng hưởng cứu trợ.

Những ngày vừa qua, thông tin lũ lụt tang thương dồn dập tại miền Trung những khiến người dân cả nước cùng chung tay quyên góp tiền và nhu yếu phẩm cứu trợ cho người dân. Nhiều cá nhân, tổ chức đã không quản ngại đường xa, khó khăn, nguy hiểm đi tận nơi cứu trợ người dân vùng lũ (Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình...). Điển hình là ca sĩ Thủy Tiên, số tiền quyên góp đến ngày 20-10 đã lên đến 105 tỷ đồng, trở thành một câu chuyện truyền cảm hứng về tinh thần tương thân tương ái trong mùa lũ.

Ca sĩ Thủy Tiên cứu trợ đồng bào miền Trung. Ảnh: FB ca sĩ Thủy Tiên

Ca sĩ Thủy Tiên cứu trợ đồng bào miền Trung. Ảnh: FB ca sĩ Thủy Tiên

Tuy nhiên, khi Thủy Tiên công bố số tiền hàng trăm tỷ đồng quyên góp, nhiều ý kiến lo cho Thủy Tiên vi phạm luật. Nhiều ý kiến viện dẫn quy định tại Nghị định 64 của Chính phủ về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để cho rằng Thủy Tiên phạm luật.

Cụ thể, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, điều 5 quy định các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ, gồm:

1. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của trung ương, địa phương; Ủy ban MTTQ và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

3. Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Ngày 23-10, bên hàng lang Quốc hội, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhấn mạnh, trong thiên tai, thảm họa, những ai có tấm lòng thiện nguyện đều rất mong muốn làm việc gì đó giúp đỡ đồng bào - những người gặp hoạn nạn, không phân biệt ca sĩ hay dân thường, nhà hảo tâm hay các tổ chức, cá nhân có chức năng vận động và thực hiện nhiệm vụ nhân đạo. Việc ca sĩ Thủy Tiên đứng ra kêu gọi, vận động nguồn lực hỗ trợ nhân dân kịp thời trong lúc khó khăn, lặn lội đến tận nơi chia sẻ, giúp đỡ đồng bào là rất đáng hoan nghênh, xã hội cần trân trọng.

“Một cá nhân đứng ra làm với số tiền lớn thì sẽ gặp rất nhiều rủi ro và rất vất vả, còn về mặt pháp luật, họ không vi phạm gì. Theo Bộ luật Dân sự, họ là người trung gian để đem vật chất, tiền bạc của người khác tin tưởng, gửi gắm họ đến cho những người cần nhận. Tức là họ được ủy thác, theo luật là được phép. Họ không đại diện cho tổ chức nào nên họ hoàn toàn có quyền làm việc đó", Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu cũng cho biết, Nghị định 64 của Chính phủ quy định 3 tổ chức được quyền tiếp nhận nguồn tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, Nghị định là để áp dụng cho các tổ chức được Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ nhân đạo, và đó là một hình thức quản lý của Nhà nước với các tổ chức có nhiệm vụ được giao như MTTQ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội, từ thiện, không áp dụng cho cá nhân. Nghị định 64 vẫn có nội dung khuyến khích những cá nhân có thể tham gia làm công tác thiện nguyện và cũng phải tôn vinh họ nếu như họ làm đúng, không vi phạm, đặc biệt là không trục lợi.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thu-tuong-chi-dao-khan-truong-xay-dung-nghi-dinh-thay-the-nghi-dinh-64-ve-quyen-gop-ho-tro-693366.html