Thủ tướng chỉ đạo ngay Chủ tịch An Giang khi ổ dịch mới diễn biến nhanh

Trước diễn biến nhanh nhanh của ổ dịch mới tại An Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao đổi ngay với Chủ tịch tỉnh, Bộ Y tế cũng xuống địa phương nắm tình hình.

Phát biểu tại thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội vào ngày 21/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát lại nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm
Thủ tướng cho biết, tối qua ông đã trao đổi với Chủ tịch tỉnh An Giang về việc tỉnh mới xuất hiện ổ dịch với diễn biến rất nhanh. Sau đó, Bộ Y tế đã phải trực tiếp xuống địa phương nắm tình hình, chỉ đạo.

Lưu ý về sự nguy hiểm của biến chủng Delta, Thủ tướng dẫn chứng có những trường hợp tại Hà Nam đã cách ly đủ ngày, nhưng khi đi làm thì nhiễm bệnh và lây lan; hoặc ở TP.HCM cả dãy nhà cách ly, chỉ mở cửa sổ thôi nhưng cả khu vẫn bị lây nhiễm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các Đại biểu Quốc hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các Đại biểu Quốc hội

Do vậy, biến chủng Delta gây ra sự bất ngờ, lúng túng, không kịp phản ứng, không chỉ với ta mà nhiều nước cũng vậy.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh, công tác chống dịch phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đúc rút ra ba trụ cột chính để chống dịch bao gồm: giãn cách, cách ly; xét nghiệm; điều trị trên tinh thần cách ly nhanh và điều trị tích cực.

Người đứng đầu Chính phủ đã khái quát lại công thức trong công tác phòng chống dịch được đúc kết thời gian qua: 5K + vắc xin, ứng dụng khoa học công nghệ; gắn với đó là các biện pháp điều trị, tập trung chăm sóc điều trị nhanh chóng, tích cực, kịp thời hiệu quả, phù hợp; cuối cùng là ý thức nhân dân trong công tác phòng chống dịch.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng nêu cách tiếp cận toàn dân trong phòng chống dịch gắn phương châm “mỗi xã phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”, sẽ dồn lực lượng để làm nhanh, cuốn chiếu nhanh nhất nhằm khoanh vùng dập dịch.

Theo đó, khi một tổ dân phố có ca nhiễm thì cả xã dồn nguồn lực, một xã có ca nhiễm thì cả huyện dồn lực, khi huyện bùng phát dịch thì cả tỉnh phải dồn lực và khi một tỉnh có dịch thì nhiều tỉnh phải chung sức hỗ trợ.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, với cách làm như vậy đã giúp chuyển hướng trong công tác phòng chống dịch tại các tỉnh phía Nam và TP.HCM, trong đó có việc xây dựng tới 500 trạm xá lưu động, với khoảng hơn 130.000 lượt người vào Nam hỗ trợ phòng chống dịch.

Về mục tiêu và nhiệm vụ của năm 2022, Thủ tướng cho hay, cùng với nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, các định hướng trong thời gian tới sẽ tập trung cho việc nâng cao năng lực y tế cơ sở; đảm bảo an sinh xã hội để người dân không bị đói, thiếu ăn thiếu mặc.

Cùng với đó, Chính phủ dành thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp có thêm sức khỏe, điều kiện để sản xuất; gắn với đầu tư vào hạ tầng chiến lược với các dự án trọng điểm, tránh manh mún…

Chẩn đoán bệnh đúng mới có thuốc đúng

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, Quốc hội và Chính phủ thời gian vừa qua rất nỗ lực, có nhiều nghị quyết rất tốt như các nghị quyết số 105,128, 168...

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, Nghị quyết của Chính phủ thì rất tốt, nhưng nếu chậm được thực thi thì thậm chí có tác dụng ngược.

Đại biểu Hiếu lưu ý, trong thời gian tới cần đặc biệt quan tâm triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.

Ông đề nghị chiến lược này nên ban hành trong năm 2021, bởi chiến lược này có ý nghĩa trong phục hồi kinh tế và thể hiện cam kết rất cao với các nhà đầu tư để họ khôi phục kế hoạch kinh doanh.

Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu đề nghị cần nhấn mạnh thêm gói dành hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Nhắc lại vừa rồi Mặt trận tổ chức tọa đàm, các chuyên gia đề nghị có gói hỗ trợ, kích thích phục hồi nền kinh tế đủ lớn, ông Châu bày tỏ nhất trí rất cao với điều này. Trong đó, ông lưu ý phải hỗ trợ cho đúng người, tập trung vào đảm bảo an toàn cho sản xuất kinh doanh, dành dư địa cho doanh nghiệp đầu tư cho an toàn sản xuất, đặc biệt là cho công nhân.

Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho rằng, trong điều kiện mới, Quốc hội đã rất chủ động tích cực, đồng hành cùng Chính phủ, trách nhiệm đối với dân tộc, đất nước để có nhiều quyết sách cụ thể hóa, tạo điều kiện cho Chính phủ, các cấp các ngành tháo gỡ những vướng mắc.

Theo Đại tướng, không thể phủ nhận Covid-19 gây tác hại rất nghiêm trọng nhưng đây là dịp “trong cái khó ló cái khôn”, là cơ hội để nhìn lại toàn bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, điều hành.

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đề nghị đánh giá kỹ hơn chất lượng, hiệu quả và sự vận hành của bộ máy trong hệ thống chính trị các cấp để chẩn đoán bệnh đúng mới có thuốc đúng, giải pháp tới như thế nào.

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/thu-tuong-chi-dao-ngay-chu-tich-an-giang-khi-o-dich-moi-dien-bien-nhanh-784907.html