Thủ tướng Chính phủ: Chiến lược của Việt Nam là 'vắc xin + 5K'

Sáng 24/2, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, các địa phương đã tích cực, quyết liệt trong phòng chống dịch, đặc biệt là nỗ lực của Bộ Y tế khi lô vắc xin đầu tiên đã về đến Việt Nam.

Phun hóa chất khử khuẩn phòng chống COVID-19 tại Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

Phun hóa chất khử khuẩn phòng chống COVID-19 tại Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

Thủ tướng nhấn mạnh chiến lược của Việt Nam là “vắc xin + 5K”, không vì có vắc xin mà chúng ta chủ quan. Bởi không thể cùng lúc tiêm vắc xin cho 100 triệu người nên phải ưu tiên cho nhân viên y tế, cơ sở điều trị, xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu; lực lượng biên phòng, công an tại khu cách ly; lực lượng truy vết, khoanh vùng, dập dịch tại vùng có dịch; lực lượng phòng chống dịch tự nguyện và những người khác theo nghị quyết của Chính phủ trên nguyên tắc những người có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêm trước, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch thì tiêm sau.

“Tinh thần là bao phủ vắc xin cho người dân Việt Nam nhưng do những điều kiện cụ thể, không thể tiêm ngay được nên có thứ tự ưu tiên như vậy”, Thủ tướng nói. Trưa cùng ngày, 117.600 liều vắc xin của AstraZeneca - hãng dược phẩm nổi tiếng toàn cầu phối hợp với Đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất - đã về đến Việt Nam. Vắc xin được vận chuyển và lưu trữ ở điều kiện lạnh thông thường (2-80C) trong ít nhất 6 tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có. Tại cuộc họp trên, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong năm 2021, bộ đảm bảo sẽ cung cấp 90 triệu liều vắc xin cho công tác tiêm phòng COVID-19.

Tính đến sáng 24/2, Việt Nam đã ghi nhận 2.403 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.760 bệnh nhân đã khỏi bệnh; riêng tại Gia Lai có 5 bệnh nhân đã bình phục, xuất viện. 10 tỉnh thành có nhiều ngày không ghi nhận ca mắc: Hòa Bình (25 ngày), Điện Biên (20 ngày), Hà Giang (20 ngày), Bình Dương (19 ngày), Hưng Yên (17 ngày), Bắc Giang (15 ngày), Gia Lai (14 ngày), Bắc Ninh (13 ngày), TP Hồ Chí Minh (12 ngày), TP Hà Nội (9 ngày). Trước đó, ngày 23/2, TP Hồ Chí Minh gỡ bỏ phong tỏa chung cư Carillon (nơi sinh sống của bệnh nhân 2065, nhân viên giám sát hàng hóa của Vietnam Airlines, ở phường 13, quận Tân Bình), sau khi kết quả xét nghiệm 31 cư dân tầng 15 đều âm tính với SARS-CoV-2. Đây là địa điểm cuối cùng trong 35 điểm phong tỏa do dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh được gỡ bỏ phong tỏa.

Còn tại Hải Dương, một ca nghi mắc COVID-19 vừa được ghi nhận ở xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà. Bệnh nhân (nữ, sinh năm 1966, có địa chỉ tại thôn Lan Can 3, xã Thanh Lang) từng đến chợ Ngũ Phúc, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành bán ổi. Kim Thành là nơi trở thành ổ dịch thứ sáu của Hải Dương.

Tại Phú Yên, theo thông tin từ Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, tính đến 17 giờ ngày 24/2, cơ quan chức năng đã giám sát y tế 75.678 trường hợp, hiện còn 12.206 người đang trong thời gian giám sát, gồm 1 người cách ly tại cơ sở y tế, 3 người cách ly tại cơ sở cách ly tập trung, 90 người cách ly tại nhà/nơi lưu trú (giảm 139 người so với ngày 23/2), 12.112 người đang tự theo dõi sức khỏe hàng ngày (giảm 6.640 người). Cơ quan chuyên môn vừa lấy mẫu làm xét nghiệm 27 trường hợp, kết quả âm tính 14 trường hợp, đang chờ kết quả 13 trường hợp. Tính đến nay, cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu làm xét nghiệm 5.176 trường hợp.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/252652/thu-tuong-chinh-phu--chien-luoc-cua-viet-nam-la--vac-xin-5k.html