Thủ tướng Chính phủ đối thoại nông dân

Ngày 30/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân theo chủ đề: 'Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững'.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị

Hội nghị diễn ra trực tiếp tại Văn phòng Chính phủ, kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu các địa phương. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ có đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân là hoạt động thường niên, bắt đầu từ năm 2018. Hội nghị năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46 ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng với yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới; Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 thành công tốt đẹp. Hội nghị đối thoại là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân Việt Nam, đây cũng là sự động viên, khuyến khích to lớn đối với cán bộ, hội viên nông dân cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành quyết định các giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành quyết định các giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Để chuẩn bị cho hội nghị, từ đầu năm 2023, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã lấy ý kiến rộng rãi tới toàn thể cán bộ, hội viên nông dân trên cả nước và nhận gần 2.000 đề xuất, nguyện vọng gửi gắm đến người đứng đầu Chính phủ. Tại hội nghị, nhiều ý kiến, câu hỏi của nông dân đã được đặt ra để đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, có các nhóm vấn đề bà con nông dân quan tâm, muốn được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giải đáp như: Phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị; giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia đề án một triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long; một số biện pháp hỗ trợ cụ thể thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp; gỡ khó về thông tin thị trường và xây dựng thương hiệu nông sản; các vấn đề liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông dân; xây dựng các mô hình về nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể; tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, phát triển công nghiệp, làng nghề để xây dựng nông thôn thực sự hiện đại, xanh và hình thành nhiều miền quê đáng sống; chăm lo đời sống an sinh xã hội cho người nông dân...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của nông dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương đã xem xét, trực tiếp trao đổi, quyết định các giải pháp, nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát huy sự sáng tạo thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn. Năm 2023, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò là trụ đỡ, tạo tiền đề cho sự phát triển của nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu quan trọng đạt được, vẫn còn những hạn chế, bất cập cần quan tâm, khắc phục. Thủ tướng nhấn mạnh những vấn đề, nội dung thảo luận, trao đổi tại hội nghị đối thoại là thực tế, thiết thực, góp phần bổ sung căn cứ thực tiễn để xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao đời sống nông dân. Căn cứ vào đó, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu để có những giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, phát huy sức mạnh, vai trò trung tâm, chủ thể của nông dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần lao động hăng say, khát vọng làm giàu của người nông dân hướng tới mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đẩy mạnh các phong trào thi đua trong nông dân, đặc biệt là phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tăng cường ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp; tăng cường liên kết trong sản xuất - tiêu thụ, phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất xanh, bền vững. Tạo điều kiện cho nông dân được tập huấn, đào tạo nghề, áp dụng chuyển đổi số, tiếp cận với các nguồn vốn vay, chính sách ưu đãi để mở rộng sản xuất kinh doanh, hội nhập và phát triển... đóng góp xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Đại biểu Hội Nông dân tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ

Đại biểu Hội Nông dân tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ

Kết luận hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải đề nghị các sở ngành, địa phương nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tích cực nghiên cứu, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách để hỗ trợ nông dân trong phát triển kinh tế, phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, để nông nghiệp, nông dân, nông thôn Phú Thọ ngày càng phát triển...

Lê Hoàng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/trong-tinh/thu-tuong-chinh-phu-doi-thoai-nong-dan/204691.htm