Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024
BHG - Sáng 31.12, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: “Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu T.Ư và trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với trên 4.000 đại biểu tham gia. Dự tại điểm cầu T.Ư có lãnh đạo các bộ, ban, ngành.
Dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Vương Ngọc Hà, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành và đại diện các hộ nông dân tiêu biểu của tỉnh.
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 có ý nghĩa lớn, cần thiết để Thủ tướng trực tiếp lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của nông dân, HTX, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp nhằm thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Hội nghị là cơ sở thực tiễn góp phần xây dựng nội dung Dự thảo Văn kiện báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trước khi diễn ra hội nghị, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức nhiều kênh thông tin tiếp nhận câu hỏi, ý kiến, đề xuất của bà con nông dân, các HTX, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gần 3.000 ý kiến, kiến nghị.
Tại hội nghị, có 13 ý kiến của đại diện các nông dân tiêu biểu, các doanh nghiệp trên cả nước đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số nội dung như: Chính phủ cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế tập thể, thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong từng vùng và các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu; xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, các HTX phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu chuyên canh, các nhà máy chế biến nông sản đủ lớn; giải quyết và tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật, các tranh chấp pháp lý quốc tế; có chính sách tiếp tục khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0…
Với những câu hỏi, đề xuất của nông dân, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng các bộ, ngành T.Ư đã tiếp thu, giải đáp đầy đủ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn những đóng góp của bà con nông dân, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đóng góp vào thành tựu chung của đất nước trong năm2024, trong đó xuất, nhập khẩu của ngành nông nghiệp của nước ta lần đầu tiên đạt 62,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay; mặt hàng nông sản của nước ta có mặt ở 190 nước trên thế giới… tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn là trụ đỡ của nền kinh tế, cùng chung tay, chung sức, đồng lòng thực hiện khát vọng xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Thủ tướng Chính phủ cho rằng thể chế vẫn là điểm nghẽn của sự phát triển, vấn đề này Đảng, Nhà nước đã và đang tiếp tục tháo gỡ bằng các chính sách mới, tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn tăng tốc bứt phá. Thủ tướng mong muốn các cấp, ngành và nông dân cùng nhau đề xuất các cơ chế mới phù hợp với sự phát triển.
Với những kiến nghị của đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục rà soát Luật Đất đai, tháo gỡ khó khăn trong công tác quy hoạch, giải phóng, phát huy tối đa nguồn lực đất đai; tăng cường liên kết sản xuất theo quy mô lớn; đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ xanh vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; luôn đổi mới sáng tạo, số hóa cơ sở dữ liệu phục vụ quy hoạch, phát triển sản phẩm nông nghiệp; chuyển đổi nguồn nhân lực theo hướng đô thị hóa nông thôn, công nghiệp hóa nông thôn; khai thác giá trị văn hóa trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thu hút nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị ở cơ sở thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; đề xuất cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn, mong mỏi của Nhân dân; huy động mọi nguồn lực của hệ thống chính trị và nhân dân đáp ứng nhu cầu phát triển…