Thủ tướng Chính phủ: Không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc sau lũ
Ngày 5-12, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức cuộc họp trực tuyến về tình hình mưa lũ và công tác khắc phục thiệt hại do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp.
Chủ trì tại điểm cầu Gia Lai có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên. dự có lãnh đạo các sở, ngành; đại diện các chủ hồ thủy lợi, thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Những ngày qua, tình hình mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề đến các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do thiên tai và chia sẻ với những khó khăn với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các địa phương vùng lũ. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng-chống thiên tai và các bộ, ngành, địa phương cần chỉ ra nguyên nhân, cách ứng phó đối với mưa, lũ vừa qua, đặc biệt là việc xả lũ của các hồ, đập thủy lợi, thủy điện. Đồng thời, tiến hành thảo luận về việc bổ sung quy chế, vận hành các công trình thủy lợi, thủy điện… nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng-chống thiên tai, từ ngày 27 đến 30-11, khu vực miền Trung từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên có mưa lớn. Các hồ chứa đầy nước, đồng loạt điều tiết lũ, ngập lụt trên diện rộng gây thiệt hại lớn về người và tài sản; trong đó trọng tâm là các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Cụ thể, có 97.669 hộ bị ngập (Bình Định 31.378 hộ, Phú Yên 58.000 hộ, Khánh Hòa 8.291 hộ). Ngập lụt trên các tuyến quốc lộ: 1, 27C, 19C, 25, 27, 29, 24, 24C, 14H, 40B và Trường Sơn Đông. Tổ chức sơ tán tại chỗ 6.030 hộ (Phú Yên 5.517 hộ, Bình Định 439 hộ, Quảng Nam 53 hộ, Khánh Hòa 21 hộ). Thời điểm lớn nhất có 14 hồ trên 3 lưu vực điều tiết về hạ du, trong đó hồ Sông Ba Hạ lưu lượng xả lớn nhất đạt 9.400 m3/s với tổng lượng xả trên 1 tỷ m3.
Hậu quả, 19 người chết, mất tích (Phú Yên 9, Bình Định 3, Khánh Hòa 2, Ninh Thuận 2, Đak Lak 2, Kon Tum 1); 1.657 ha lúa, 1.008 ha hoa màu bị thiệt hại; 1.199 con gia súc, 67.642 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 211 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 3 tàu cá và 2 xà lan bị chìm; 3.122 km kè và 82.128 m kênh mương hư hỏng, 11.970 m bờ sông, bờ suối bị sạt lở và 26 đập tạm bị sạt lở, hư hỏng; ngập và sạt lở gây ách tắc 13 điểm trên các tuyến quốc lộ, đường Trường Sơn Đông; 12.298 m đường giao thông bị sạt lở, khối lượng 127.574 m3 đất đá; hư hỏng 9 cống, 1 cầu giao thông…
Tại Gia Lai, từ ngày 27-11 đến 1-12, do ảnh hưởng của mưa, lũ đã gây ngập lụt trên diện rộng tại các địa phương phía Đông và Đông Nam tỉnh. Cụ thể, mưa, lũ đã làm 55 nhà dân bị ngập; tốc mái 72 m2 Trường Tiểu học Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang); thiệt hại 3.250 ha cây trồng các loại; 2,9 ha nuôi trồng thủy sản; 9 con gia súc chết; thiệt hại về kênh mương, thủy lợi, sạt lở một số tuyến đường giao thông… Ước tổng thiệt hại khoảng 75,5 tỷ đồng.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Võ Ngọc Thành thông tin: Trên lưu vực sông Ba, đoạn qua địa phận Gia Lai có 9 công trình thủy lợi, thủy điện. Trong đó, có 4 công trình vận hành tràn xả lũ có cửa van (thủy điện Ka Nak, An Khê, thủy lợi Ayun Hạ và Ia Mlah); 5 công trình thủy điện vận hành tràn tự do (Đak Srông, Đak Srông 2, Đak Srông 2A, Đak Srông 3A và Đak Srông 3B), khi mực nước vượt ngưỡng tràn nước sẽ tự đổ về hạ du không kiểm soát. Trong đợt mưa lũ vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Ba vận hành giảm lũ hạ du đúng theo quy trình và thông báo đến các địa phương trong khu vực hạ du thuộc sông Ba và Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên. Đồng thời thực hiện điều tiết giảm lưu lượng xả để giảm lũ cho tỉnh Phú Yên theo chỉ đạo của của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng-chống thiên tai. Tổng lưu lượng xả 3 hồ (An Khê, Ia Mlah, Ayun Hạ) với lưu lượng xả lớn nhất 530 m3/s. Đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương huy động, bố trí các nguồn lực tập trung khắc phục một số hạng mục, công trình nhằm đảm bảo nhà ở, giao thông đi lại… phục vụ tạm thời cho Nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng. Rà soát cụ thể tình hình thiệt hại để đề xuất Trung ương hỗ trợ theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương rà soát, kiểm tra điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định số 878/QĐ-TTg để phù hợp với thực tế và biến đổi khí hậu, thoát lũ hiện nay. Đề nghị Trung ương sớm quan tâm đầu tư triển khai xây dựng hồ chứa nước Ia Thul (huyện Ia Pa) và một số hồ chứa khác trên lưu vực sông Ba để nâng cao khả năng tích nước, cắt lũ vào mùa mưa và tích nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt vào mùa khô cho tỉnh Gia Lai. Đồng thời, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Gia Lai để triển khai các công tác khắc phục hậu quả thiên tai trong năm 2021, nhất là thiệt hại do đợt lũ cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Hiện nay, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, không theo quy luật nên đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, ghi nhận và biểu dương cấp ủy, chính quyền các địa phương kịp thời ứng phó, khắc phục thiên tai. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân sau lũ. Không để người dân thiếu đói, thiếu mặc, màn trời chiếu đất sau mưa lũ; không để dịch bệnh ảnh hưởng đến người dân; vệ sinh môi trường, nước sạch, không để phát sinh dịch bệnh sau lũ. Cùng với đó, cấp ngay cho mỗi địa phương 1.000 tấn gạo để cứu đói cho người dân. Rà soát, thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, đề xuất hỗ trợ trường hợp vượt quá khả năng của địa phương theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo, đầu tư hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát thiên tai. Sẵn sàng ứng phó với thiên tai với phương châm "4 tại chỗ". Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác phòng-chống thiên tai, điều hành việc xả lũ của các công trình thủy lợi, thủy điện nhằm đảm bảo an toàn cho hạ du. Cần phải đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, lấy người dân làm chủ thể, làm trung tâm cho việc phòng-chống thiên tai. Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, cập nhật thực tiễn để điều chỉnh phương án, kịch bản phòng-chống lũ, nhất là phương án di dời dân, công tác chỉ đạo vận hành liên hồ chứa một cách hợp lý. Rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch, phương án phù hợp với diễn biến mưa lũ, thiên tai trên địa bàn.