Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại TP Hồ Chí Minh
Chiều 20-7, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Ðoàn công tác Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân và thực hiện các dự án đầu tư công. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; các Phó Thủ tướng: Vũ Ðức Ðam, Trịnh Ðình Dũng.
Chiều 20-7, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Ðoàn công tác Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân và thực hiện các dự án đầu tư công. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; các Phó Thủ tướng: Vũ Ðức Ðam, Trịnh Ðình Dũng.
Báo cáo với Ðoàn công tác của Chính phủ, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tính đến ngày 15-7-2020, khối lượng giải ngân đạt 18.836 tỷ đồng, đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so cùng kỳ (tính đến hết tháng 7-2019 giải ngân là 7.717 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch vốn giao là 33.771 tỷ đồng). Nếu tính theo khối lượng hoàn thành đang thực hiện các thủ tục thanh quyết toán (1.470 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 48,7% kế hoạch vốn đã giao. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, với vai trò là một đô thị đặc biệt, một trung tâm nhiều mặt của cả nước, TP Hồ Chí Minh xác định phải nỗ lực, quyết tâm hơn, bởi lẽ nếu thành phố giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thấp sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo thường xuyên công tác giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến tháng 10 năm 2020, giải ngân đạt 80% kế hoạch vốn, giải ngân cả năm 2020 đạt hơn 95%.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, giải quyết các vấn đề đặt ra. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố trên nhiều lĩnh vực. Sáu tháng đầu năm, TP Hồ Chí Minh chỉ tăng trưởng 1,02%, mức tăng trưởng này không chỉ ảnh hưởng đến thành phố mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến toàn quốc. Cùng với đó, trong triển khai thực hiện, thành phố cũng còn nhiều vấn đề, nhiều dự án, chương trình chưa tháo gỡ, giải quyết được khó khăn về cơ chế, chính sách. Thủ tướng cho rằng, sự phát triển của TP Hồ Chí Minh sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả nước. Chính phủ sẽ lắng nghe các ý kiến tại hội nghị nhằm tháo gỡ để thành phố phát triển đúng với tiềm năng, vị trí. Những kiến nghị của TP Hồ Chí Minh sẽ giao cho các bộ, ngành phải có văn bản trả lời kèm theo giải pháp. Trước mắt, đồng ý cho TP Hồ Chí Minh thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư để thực hiện tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Thành phố cần khắc phục tình trạng chậm trong phát triển công trình hạ tầng giao thông; nhiều bộ, ngành cũng sẽ có những giải pháp tháo gỡ sản xuất - kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công nhằm giúp thành phố đạt được mức tăng trưởng như kế hoạch đã đề ra, qua đó thiết thực giải quyết thu nhập cho người lao động. Thành phố cần nỗ lực thúc đẩy kinh tế ban đêm để góp phần vào sự phát triển chung của thành phố. Nếu làm được điều này sẽ góp phần đóng góp vào cơ cấu kinh tế thành phố từ 5 đến 8%.
Tại hội nghị, Thủ tướng tuyên dương các giải pháp về việc giải quyết vốn đầu tư công của thành phố. Trong đó, việc tổ chức giao ban thường xuyên và khen thưởng kịp thời để khuyến khích cách làm hay. Ðây là những kinh nghiệm tốt đáng được các tỉnh, thành phố khác học tập, áp dụng. Muốn tăng trưởng phải tiếp tục thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư vốn nước ngoài. Không để tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra. Mục tiêu năm nay TP Hồ Chí Minh sẽ đóng góp một phần ba GDP của cả nước và Chính phủ tin tưởng thành phố sẽ làm được điều này.
Sáng 20-7, tại TP Hồ Chí Minh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh - HOSE (20-7-2000 - 20-7-2020) do Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước (CKNN) tổ chức.
Chủ tịch Ủy ban CKNN Trần Văn Dũng cho biết: Từ hai doanh nghiệp (DN) niêm yết ban đầu, đến nay, qua 20 năm phát triển, số công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên hai sở giao dịch chứng khoán đã lên tới 1.647 công ty; với giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch 1.428.000 tỷ đồng. Mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu (tính đến ngày 30-6-2020) đạt 3.894.000 tỷ đồng, chiếm 64,5% GDP nước ta. TTCK đang ngày càng trở thành kênh huy động vốn hiệu quả không chỉ cho các DN mà còn hỗ trợ Chính phủ trong việc cân đối ngân sách quốc gia thông qua việc huy động vốn trên thị trường trái phiếu Chính phủ. Khối lượng huy động vốn qua phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân khoảng 185.000 tỷ đồng/năm, đáp ứng từ 50% đến 60% nhu cầu huy động vốn cho cân đối ngân sách hằng năm… Trong đó, HOSE khẳng định vị trí đầu tàu, chiếm gần 80% giá trị vốn hóa toàn thị trường và là nơi tập trung niêm yết của phần lớn các DN lớn.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: TTCK là "phong vũ biểu" của nền kinh tế, là bộ phận quan trọng của kinh tế thị trường, với vai trò là một kênh huy động vốn quan trọng và hiệu quả của nền kinh tế, là một cửa sổ hội nhập, liên thông với các thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta rất tự hào khi TTCK Việt Nam non trẻ đã kiên cường vượt qua mọi thử thách của nhiều cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ, suy thoái kinh tế khu vực, toàn cầu; nhất là trước những tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong thời gian gần đây và được đánh giá là một trong những thị trường hồi phục nhanh nhất và ổn định nhất trong khu vực. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, TTCK trong giai đoạn tới cần có sự phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn với hệ thống tín dụng ngân hàng, góp phần phát triển hệ thống DN hiệu quả, bền vững hơn nữa. Ðể thực hiện mục tiêu nêu trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban CKNN và các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ giải pháp như sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho việc phát triển đồng bộ thị trường tài chính - tiền tệ nói chung và TTCK nói riêng; phối hợp chặt chẽ để bảo đảm sự phát triển nhịp nhàng, đồng bộ TTCK, tiền tệ và bảo hiểm. Các bộ, ngành được giao thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển nhanh quy mô, chất lượng của thị trường; trong đó đẩy nhanh cổ phần hóa DN Nhà nước gắn với niêm yết, giao dịch trên TTCK, thúc đẩy các DN tư nhân niêm yết; tăng cường công khai, minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư, áp dụng các chuẩn mực quốc tế. Kế tiếp, cần sớm hoàn thiện cơ cấu tổ chức TTCK; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật cho phát triển thị trường ổn định, an toàn, bền vững; chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, tổ chức hệ thống giao dịch phù hợp, hiệu quả đối với cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm khác, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường, DN và các nhà đầu tư; tăng cường năng lực và tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, giám sát; tập trung đổi mới hệ thống công nghệ thông tin; chủ động hội nhập với thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán khu vực; bảo đảm tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực tốt nhất. Phấn đấu sớm nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi; đưa TTCK Việt Nam thành điểm đến an toàn, tin cậy, hiệu quả của các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà đầu tư lớn trong khu vực, toàn cầu. Thủ tướng cũng yêu cầu, trong năm nay, phải ban hành đồng bộ hệ thống nghị định và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Ðầu tư.
Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2020), sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn quận 1. Ðến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Cách (sinh năm 1927), ngụ tại phường Phạm Ngũ Lão, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc Mẹ sống vui, sống khỏe, là tấm gương sáng cho con cháu trong gia đình noi theo; phát huy truyền thống gia đình cách mạng và gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Bé (sinh năm 1957), vợ liệt sĩ, ngụ tại phường Cầu Ông Lãnh và gia đình ông Trần Văn Ðủ (sinh năm 1950), thương binh hạng 1/4, ngụ tại phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1.