Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến về giải pháp khắc phục hậu quả của cơn bão số 3

Ngày 15/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau bão.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão.

Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan, các huyện, thành phố trong tỉnh.

Mở đầu hội nghị, các đại biểu đã dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ những nạn nhân bị thiệt mạng do bão số 3 và lũ lụt gây ra.

Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Tính đến 6 giờ sáng ngày 15/9, bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập lụt do hoàn lưu bão đã làm 348 người chết, mất tích, 1.921 người bị thương; gần 232.000 ngôi nhà bị hư hỏng; hơn 190.000 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; gần 48.000 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; gần 32.000 ha cây ăn quả bị hư hại; hơn 3.200 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 2,6 triệu gia cầm, gia súc bị chết…

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã báo cáo công tác ứng phó với bão, lũ; chia sẻ các bài học kinh nghiệm; các biện pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; kiến nghị, đề xuất các nhiệm vụ trong thời gian tới; trong đó nhiều địa phương đề nghị Chính phủ mở rộng hỗ trợ để người dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Tại tỉnh Ninh Bình, do bão không trực tiếp đổ bộ, cộng với việc luôn chủ động các phương án phòng, chống bão, lũ nên thiệt hại do bão số 3 gây ra không lớn; không có thiệt hại về người, tất cả các hộ dân tại khu vực nguy cơ ảnh hưởng đã được di dời đến nơi an toàn. Hệ thống đê điều, trạm bơm, hồ đập, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc của tỉnh vận hành an toàn, liên tục, đảm bảo chống lũ, tiêu úng, cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. Ước thiệt hại ban đầu do bão và mưa lũ trên địa bàn tỉnh là trên 50 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục tập trung theo dõi diễn biến lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy; phân công, cắt cử các lực lượng tuần tra, kiểm tra liên tục 24/24h trên các tuyến đê để kịp thời phát hiện sự cố và thực hiện các phương án ứng phó theo kịch bản đã được phê duyệt.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự tích cực, trách nhiệm, chủ động của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố đã nỗ lực triển khai các biện pháp ứng phó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra. Thủ tướng Chính phủ cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân tham gia khắc phục hậu quả của bão, lũ với tinh thần tin tưởng vào Đảng và Nhà nước trong việc xử lý các tình huống thiên tai.

Sau khi chỉ rõ những khó khăn, nêu lên các bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với bão số 3, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Trước mắt, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố tập trung chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình và khắc phục ngay các sự cố trên các tuyến đê sau lũ vì hiện nay lũ trên các triền sông vẫn ở mức rất cao. Khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Vận hành các trạm bơm và hệ thống công trình thủy lợi để tiêu úng cứu diện tích lúa và hoa màu bị ngập; chuẩn bị sẵn sàng nguồn giống để khôi phục sản xuất ngay sau bão. Tập trung khắc phục sớm sự cố hệ thống lưới điện, thông tin...

Đối với khu vực miền núi phía Bắc, tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích tại sự cố cầu Phong Châu (Phú Thọ) và mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng...

Về lâu dài cần tập trung thực hiện nghiêm Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn; Chiến lược phòng, chống thiên tai quốc gia, Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia...

Các tỉnh, thành phố tập trung tìm kiếm cứu nạn, tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp; rà soát, bố trí sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân tại nơi ở.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu sau hội nghị trực tuyến.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu sau hội nghị trực tuyến.

Ngày sau hội nghị của Chính phủ, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã phát biểu đánh giá lại tình hình diễn biến bão số 3 và hoàn lưu sau bão, đồng thời nhấn mạnh: Tỉnh Ninh Bình không chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 nên không bị thiệt hại nặng nề, nhưng qua đây cũng cho thấy sự vận hành bài bản, thống nhất theo đúng phương án phòng, chống thiên tai đã xây dựng, thể hiện tinh thần "trên dưới đồng lòng", chủ động, tích cực của các ngành, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong những tình huống cấp bách mang tính lịch sử. Đây chính là bài học quý, kinh nghiệm quan trọng để Ninh Bình cùng với cả nước kiến thiết xây dựng quê hương.

Để nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân, nhất là Nhân dân vùng lũ Nho Quan, Gia Viễn, đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần rà soát lại những thiệt hại, kịp thời xử lý môi trường không để dịch bệnh xảy ra, nhanh chóng đưa hoạt động giáo dục trở lại bình thường.

Qua cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, sự chịu tải của các công trình thủy lợi đã bị ảnh hưởng, chính vì thế các ngành chức năng theo nhiệm vụ của mình đánh giá lại các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn một cách tỉ mỉ, khoa học, có tầm nhìn dài hạn trên cơ sở đó đề xuất các phương án khắc phục và nâng cấp, hoàn thiện lại quy hoạch hệ thống tưới, tiêu một cách tổng thể.

Cùng với đó, xem xét lại quy hoạch hệ thống giáo dục, y tế ở vùng lũ đảm bảo toàn diện, thống nhất với quy hoạch chung, không lẻ tẻ, manh mún để phục vụ tái thiết bền vững cho khu vực vùng trũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ lụt, thiên tai.

Các ngành, địa phương tổ chức rà soát các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong công tác PCTT và TKCN để kịp thời động viên, khen thưởng.

Nguyễn Thơm - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-chu-tri-hoi-nghi-truc/d2024091515255665.htm