Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân

Sáng 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: 'Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới'.

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội.

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội.

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có lãnh đạo các bộ, ban, ngành cùng hơn 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho 10,2 triệu hội viên Hội Nông dân trên cả nước.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cùng các đại biểu dự tại điểm cầu Thanh Hóa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cùng các đại biểu dự tại điểm cầu Thanh Hóa.

Dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành có liên quan, Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố cùng 20 nông dân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc. (Ảnh chụp màn hình)

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc. (Ảnh chụp màn hình)

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 diễn ra vào thời điểm nhiều ý nghĩa và rất quan trọng, khi nước ta đang chuẩn bị đầy đủ thời cơ, điều kiện thuận lợi để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đồng thời, tạo cơ sở để có kết quả tổng kết, từ đó đưa ra những dự báo, nhận định, xây dựng chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn tới, nhất là trong bối cảnh các địa phương đang chuẩn bị công tác Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2026-2031). Việc tổ chức hội nghị này có ý nghĩa rất lớn và rất cần thiết để Thủ tướng Chính phủ trực tiếp lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của nông dân, hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Hội nghị cũng là cơ sở thực tiễn để góp phần xây dựng nội dung Dự thảo Văn kiện Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV (nhiệm kỳ 2026-2031) của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Qua 4 lần tổ chức hội nghị, nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát huy vai trò chủ thể của người nông dân đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Thanh Hóa.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Thanh Hóa.

Tại hội nghị, nhiều câu hỏi của nông dân đã được đặt ra để đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ; nhiều vấn đề cụ thể về từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương đã cơ bản được thảo luận, thống nhất và giải quyết trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn.

Cùng với đó là nhiều vấn đề lớn, cần có quyết sách, chính sách thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển tổ hợp tác, HTX nông nghiệp; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia. Cơ chế, chính sách để hướng tới mục tiêu Netzero, triển khai Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải; phát triển tín chỉ carbon.

Nông dân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh dự tại điểm cầu Thanh Hóa.

Nông dân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh dự tại điểm cầu Thanh Hóa.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, các HTX tại các vùng chuyên canh, nhất là đối với người trồng lúa; hỗ trợ thúc đẩy tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp. Giải quyết và tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật, các tranh chấp pháp lý quốc tế, đảm bảo hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, ổn định thị trường xuất khẩu hàng hóa nông sản. Chính sách về tiếp tục khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt đối với các hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp vừa chịu ảnh hưởng do thiên tai và cơn bão Yagi.

Đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn...

Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm, đổi mới, một số vấn đề được Thủ tướng trực tiếp đối thoại, giải đáp ngay tại hội nghị. Một số vấn đề Thủ tướng chỉ đạo, giao cho lãnh đạo các bộ, ngành liên quan giải đáp; xây dựng giải pháp theo lộ trình, bảo đảm tính hiệu quả, bền vững.

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm của các đại biểu đã tham gia các vấn đề đối thoại.

Những vấn đề mà các đại biểu đặt ra đối thoại đều mang tính sát thực, thời sự trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các địa phương nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, trăn trở của bà con nông dân, cũng như nhu cầu chính đáng của nông dân, doanh nghiệp, HTX...

Hải Đăng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-doi-thoai-voi-nong-dan-235447.htm