Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân Việt Nam

Ngày 29/5, tại thành phố Sơn La, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam lần thứ 4, năm 2022 với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị tại điểm cầu thành phố Sơn La. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương và 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước, trong đó có 29 nông dân tiêu biểu sẽ trực tiếp đặt câu hỏi và đối thoại với Thủ tướng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Chung

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Chung

Dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, song ngành Nông nghiệp vẫn đạt được nhiều kết quả vượt bậc với tốc độ tăng trưởng đạt 2,98%; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông - lâm - thủy sản đạt 48,6 tỷ USD.

4 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã đạt gần 17,9 tỷ USD, tăng tới 15,6% so với cùng kỳ. Đóng góp vào sự tăng trưởng đó, có công lao rất lớn của những người nông dân trên cả nước và của những nông dân tiêu biểu trực tiếp tham dự đối thoại lần này.

Trước diễn biến dịch bệnh còn phức tạp và thực tế tình hình kinh tế thế giới hiện nay, đồng chí mong muốn bà con nông dân cần tự tin xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng phải chủ động để tích cực hội nhập. Phát huy những kết quả đạt được từ 3 cuộc đối thoại trước, đồng chí đề nghị, các ngành chức năng cũng như người nông dân tiếp tục chủ động kịp thời tháo gỡ khó khăn, không ngừng giải quyết các vấn đề nảy sinh, vấn đề chưa giải quyết triệt để, nỗ lực, quyết tâm phấn đấu vươn lên.

Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu phải tiếp tục đổi mới công nghệ; đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không phụ thuộc vào một thị trường nhất định; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa công nghiệp với nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp; kết nối các chuỗi giá trị, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metal trong nông nghiệp…

Trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Văn Thanh (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội) về các giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch Covid-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... ảnh hưởng đến sản xuất của người dân; các giải pháp nhằm bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp, để nông dân yên tâm sản xuất, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết: Tình trạng tăng giá, đứt gãy nguồn cung hiện đang là bối cảnh chung của toàn cầu.

Trước tình hình đó, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã rất cố gắng để kiềm chế tốc độ tăng giá của vật tư nông nghiệp trong nước. Chính phủ đã làm việc với các doanh nghiệp để yêu cầu chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phát huy công suất sản xuất, kiểm soát kênh phân phối, ưu tiên tối đa tiêu thụ tại thị trường trong nước, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng là vật tư có tính chiến lược. Đặc biệt, đã nghiên cứu những chính sách có thể điều chỉnh thuế, phí.

Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ và cấp có thẩm quyền tiếp tục kiểm soát vật tư thiết yếu phục vụ cho sản xuất, đặc biệt là vật tư nông nghiệp; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất; chia sẻ giảm bớt khó khăn cho người nông dân. Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm tra, kiểm soát thị trường; tiếp tục đề nghị xem xét lại thuế giá trị gia tăng đối với phân bón để giúp kiềm chế mức độ tăng giá. Giải pháp cuối cùng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ, trợ giá một số vật tư thiết yếu.

Làm rõ thêm nội dung hỗ trợ nông dân mà rất nhiều người dân đang quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, Chính phủ đã đề xuất và đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Ngay trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tiền tệ như giảm lãi suất hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó là các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền điện, nước. Chính phủ cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế…, đặc biệt là hạ tầng giao thông với hàng loạt tuyến cao tốc để giảm chi phí logistics.

Thủ tướng cho biết, người nông dân cần nhận thức được giá trị của thương hiệu; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và giá trị của thương hiệu. Từ đó, phải sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng được chất lượng, số lượng, đặc biệt là tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế thị trường. Vấn đề quan trọng nữa là phải quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu; nghiên cứu tìm giải pháp, điều chỉnh chính sách để phát triển vùng nguyên liệu ngô, đậu tương, từ đó giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Liên quan đến vấn đề về vốn, tín dụng, ông Lê Quang Thắng (Quảng Ninh) và bà Trần Thị Thanh Thoan (huyện Duy Tiên, Hà Nam) nêu ý kiến, trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã tích cực giải ngân, bố trí nguồn vốn cho tam nông, song việc tiếp cận nguồn vốn của người nông dân còn nhiều khó khăn, Chính phủ có giải pháp gì xung quanh vấn đề này? Đồng thời, các chính sách khoanh nợ, giãn nợ, để nông dân phục hồi sản xuất sau dịch bệnh Covid-19 được thực hiện ra sao?

Trả lời vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong chương trình phục hồi và phát triển, chính sách hỗ trợ đã cụ thể, rõ ràng, nhưng trong tổ chức thực hiện, việc tiếp cận vốn tín chấp còn khó khăn. Thủ tướng đề nghị hệ thống ngân hàng cần nghiên cứu thêm về vấn đề này; chính quyền địa phương phối hợp với ngân hàng trong việc thẩm định các hồ sơ vay vốn tín chấp; các hộ nông dân cũng phải có dự án, rõ ràng, khả thi, hiệu quả thì sẽ dễ dàng hơn trong tiếp cận nguồn vốn.

Trả lời ý kiến của ông Trần Như Kiên (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) liên quan đến vấn đề xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, các ngành chức năng đã triển khai tích cực và Thủ tướng đã chỉ đạo trực tiếp, giao thiệp với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, lập tổ công tác do lãnh đạo Bộ Công thương đứng đầu, chỉ đạo các tỉnh biên giới làm việc với các tỉnh biên giới của Trung Quốc để giải quyết các vấn đề liên quan.

Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, kết quả như mong muốn. Chính sách chống dịch của Việt Nam và Trung Quốc khác nhau và thị trường Trung Quốc cũng không còn là thị trường dễ tính như trước, các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Vì vậy, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nông dân cần thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch; chuyển đổi tư duy sản xuất từ sản xuất tự phát sang cơ chế thị trường; cần xây dựng chiến lược rõ ràng quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, quy trình sản xuất đạt chuẩn và không nên quá lệ thuộc vào thị trường.

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã giải đáp nhiều thắc mắc của doanh nghiệp, người nông dân liên quan đến giải pháp hỗ trợ nông dân chế biến sâu; hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, duy trì nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp; vấn đề đất đai và cơ chế để những người nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất; giải pháp chỉ đạo để đảm bảo môi trường nông thôn được xanh, sạch; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thúc đẩy du lịch nông thôn, bảo đảm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…

Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng nhấn mạnh, các vấn đề, nội dung thảo luận, trao đổi tại Hội nghị đối thoại góp phần rất lớn vào việc bổ sung căn cứ thực tiễn để xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao đời sống nông dân.

Vì vậy, bên cạnh xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo ngay tại hội nghị nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm, nắm chắc thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng bà con nông dân, nhất là những vấn đề nảy sinh, vấn đề bức xúc để có giải pháp phù hợp, kịp thời, phát huy sự sáng tạo của nông dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Minh Nguyệt

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/tin-trong-tinh/77842/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-doi-thoai-voi-nong-dan-viet-nam.html