Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Kiên định đường lối đối ngoại vì công lý và lẽ phải

Chiều 5-11, cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, lưu ý và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Kiên định đường lối đối ngoại vì công lý và lẽ phải

Là đại biểu đặt câu hỏi chất vấn đầu tiên tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, thời gian qua, hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã thành công rực rỡ nhờ sự kiên định, linh hoạt và mềm dẻo. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết một số định hướng đối ngoại thời gian tới trong bối cảnh tình hình có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội chiều 5-11. Ảnh: Trọng Hải.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội chiều 5-11. Ảnh: Trọng Hải.

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Đất nước có nhiều việc, nhưng có hai việc lớn là đối nội và đối ngoại.

Về định hướng đối ngoại, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Chúng ta đang thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối đối ngoại này trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, với 3 trụ cột chính: Ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa; thu nhiều kết quả quan trọng; ứng xử phù hợp trước nhiều vấn đề phức tạp.

“Chúng ta không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải, ủng hộ các vấn đề vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, phù hợp quan điểm đối ngoại của chúng ta”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định.

Nhân đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng biểu dương Bộ Ngoại giao đã rất tích cực thực hiện ngoại giao vắc xin, huy động được sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế khi chúng ta tiếp cận vắc xin còn khó khăn, góp phần thực hiện thành công chiến lược vắc xin; nhờ đó, bảo đảm được việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và tiết kiệm được chi phí.

Luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành

Nêu câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại biểu Hoàng Văn Liên (Đoàn Long An) dẫn báo cáo về kinh tế - xã hội của Chính phủ gửi Quốc hội tại kỳ họp này cho thấy, tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2022 là 8,3%; ước tính cả năm đạt khoảng 8%. Để đạt được kết quả này, nhất là trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 là nỗ lực chung rất lớn của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đại biểu Hoàng Văn Liên đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết bài học gì giúp cho phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch Covid-19; giải pháp để tiếp tục duy trì phát triển kinh tế cho năm 2023 và các năm tiếp theo.

 Quang cảnh phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Trọng Hải

Quang cảnh phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Trọng Hải

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam có ba nền tảng vĩ mô là: Tăng trưởng, chống lạm phát, việc làm.

Vừa qua, Việt Nam kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bằng các giải pháp khác nhau, Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu này.

Mặt khác, vì nguồn vốn có hạn nên Chính phủ đã tập trung vào ba động lực tăng trưởng: Tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Đó là quan điểm và giải pháp lớn để đất nước có được thành quả như hiện nay.

Trước đó, liên quan đến nội dung này, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, trước bối cảnh khó khăn, thách thức, công tác chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn. Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kịp thời điều chỉnh biên độ tỷ giá và nâng lãi suất điều hành ở mức độ hợp lý để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

“Thời gian tới, chúng ta tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động, ngược lại phải luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Đồng thời, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả. Kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng, chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác; không chuyển trạng thái đột ngột.

Ngoài ra, tập trung nghiên cứu, điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất; giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế và sát thực tiễn. Bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tiền tệ. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các chủ thể liên quan theo đúng quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

“Chúng ta không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực; làm như vậy không những để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế; mà còn để bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết thêm.

NGUYỄN THẢO – CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-kien-dinh-duong-loi-doi-ngoai-vi-cong-ly-va-le-phai-710125