Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận thêm nhiệm vụ mới
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 791/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (Ban chỉ đạo). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Phó Trưởng ban gồm: Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (Phó Trưởng ban thường trực), Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.
Ủy viên Ban chỉ đạo gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải.
Quyết định của Thủ tướng nêu rõ, Ban chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân và thực hiện quyền hạn, trách nhiệm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo.
Trưởng ban sử dụng con dấu của Thủ tướng, các Phó Trưởng ban và các Ủy viên Ban chỉ đạo sử dụng con dấu của Bộ chủ quản.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, sử dụng bộ máy hiện có để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Ban chỉ đạo giao.
Ngành bán dẫn đóng vai trò then chốt trong việc sản xuất các thiết bị điện tử hiện đại thông qua việc cung cấp các linh kiện bán dẫn thiết yếu như bộ vi xử lý, bộ nhớ và thiết bị lưu trữ dữ liệu... Theo Hiệp hội công nghiệp bán dẫn SIA, thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2025, tăng 14% so với năm 2023.
Thời gian qua, Việt Nam cũng đã thu hút nhiều "ông lớn" trong ngành bán dẫn như Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor với nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỷ USD. Dự báo đến cuối năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.