Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tỉnh Gia Lai phải tự tin hơn, mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn để đi lên
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai sáng 22-5 về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI đến nay.
Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương: Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm của Trung ương; nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận của nhân dân, tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP), giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách, kinh ngạch xuất khẩu… đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Riêng năm 2021, GRDP tăng 9,71%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 49.602,35 tỷ đồng, tăng 13,99% so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh đã có 91 xã, 123 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới và đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ này. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục có bước phát triển, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3,96%, giảm 1,42% so với cuối năm 2020; tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh được củng cố tăng cường; an ninh chính trị, an ninh biên giới, an ninh nông thôn và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm tốt; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục đạt kết quả tốt.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cũng kiến nghị với Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương về xây dựng đường cao tốc Pleiku-Quy Nhơn; công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông); chuyển rừng nghèo sang cây trồng khác; nâng hạng di tích quốc gia “Khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá” thành di tích quốc gia đặc biệt và công nhận Rìu tay là bảo vật quốc gia; giúp tỉnh Gia Lai thu hút vốn ODA…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu làm rõ tiềm năng, thế mạnh, cũng như khó khăn của tỉnh Gia Lai; góp ý các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời giải đáp các ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh Gia Lai.
Phát biểu kết luận, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai đạt được trong thời gian qua, góp phần vào sự phát triển của cả nước. Thủ tướng điểm lại những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống dịch, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới, độ bao phủ rừng, cải cách hành chính… của tỉnh Gia Lai thời gian qua.
Cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc, đánh giá cao nhiều ý kiến phong phú, tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng, Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về những ấn tượng với Gia Lai và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Theo đó, ấn tượng lớn nhất là Gia Lai có tiềm năng rất lớn về con người với dân số 1,5 triệu, đây sẽ là yếu tố giúp Gia Lai phát triển nhanh và bền vững nếu biết phát huy tốt; bề dày, bản sắc truyền thống lịch sử - văn hóa - cách mạng, đoàn kết, thống nhất, yêu nước; điều kiện tự nhiên thuận lợi với diện tích lớn thứ 2 cả nước, đất trồng trọt, trồng cây công nghiệp chiếm diện tích lớn, những tiềm năng về khoáng sản, thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió...
Thủ tướng đánh giá Gia Lai đã đi đúng hướng, đã có đường nét phát triển, nên phải tạo động lực để tỉnh tăng tốc nhanh hơn, đột phá hơn, bền vững hơn, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định. Đồng thời, thu hút các nguồn lực bên ngoài, coi nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên.
Hệ thống hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư với các tuyến Quốc lộ 14, 19, 78, 25, đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn, sân bay Pleiku, cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Tỉnh Gia Lai có tiềm năng phát triển du lịch với thế mạnh nổi trội về sự hấp dẫn của thiên nhiên vùng núi cao, các khu rừng nguyên sinh có hệ động, thực vật phong phú; có nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc...
Tuy nhiên, Thủ tướng còn trăn trở với tỉnh Gia Lai chưa phát triển tương xứng với tiềm năng lớn, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông còn bất cập, việc kết nối Gia Lai và Tây Nguyên với khu vực xung quanh, các cảng biển còn khó khăn. Hiện, các dự án giao thông để thực hiện mục tiêu này đang được triển khai; tỉnh đã có sự tự tin vươn lên từ nội lực, nhưng chưa lớn; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp còn hạn chế.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Gia Lai phải tự tin hơn, mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn để đi lên. Tư tưởng phải thông, suy nghĩ phải kỹ, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực của Tây Nguyên và vùng tam giác Việt Nam-Lào-Campuchia…