Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu xử lý dứt điểm tàu cá '3 không'

Chiều 28-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có các đồng chí: Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang; Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay, khung pháp lý đã được hoàn thiện theo khuyến nghị của EC. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 26/2019/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; Nghị định 38/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định 42/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 06/2024/TT-BNNPTN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT để xử lý dứt điểm đối với tàu cá “3 không”.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 76/QĐ-TTg ngày 18-1-2024 phê duyệt Chương trình Quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Quyết định 389/QĐ-TTg ngày 9-5-2024 Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 3-7-2024 Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Thời gian qua, cả nước đã tăng cường công tác quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá. Đến nay, đã rà soát, thống kê nắm được tổng số đội tàu cá cả nước là 85.495 tàu; trong đó tàu đã được đăng ký là 70.910 chiếc; đã công bố hạn ngạch giấy phép tại vùng khơi giai đoạn 2024 - 2029 là 29.552 giấy phép.

Số lượng tàu cá từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt 98,5% (28.512/28.953 tàu cá), đánh dấu tàu cá đạt 98%. Đối với các tàu cá không đủ điều kiện hoạt động, tàu cá có nguy cơ cao phạm khai thác IUU đã được các địa phương lập danh sách, theo dõi, quản lý.

Công tác theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, ra vào cảng, xuất nhập bến tại một số địa phương đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định.

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung phân tích, làm rõ những nội dung tồn tại, hạn chế, nhằm chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5 vào tháng 10-2024. Cùng với đó, các bộ, ngành và địa phương cũng đề xuất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp về chống khai thác IUU trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ NN&PTNT thành lập Tổ công tác chuyên trách tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai các quy định chống khai thác IUU.

Đồng thời, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, báo cáo kịp thời kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; tham mưu, đề xuất cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân, lực lượng chức năng có liên quan không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, dung túng, tiếp tay cho hành vi khai thác IUU.

Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, chuẩn bị kỹ chương trình, kế hoạch, nội dung tổng thể làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5; chuẩn bị kỹ các phương án đảm bảo tốt nhất, không để bị động, bất ngờ ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo thẻ vàng của cả nước…

Thủ tướng mong muốn người dân nâng cao ý thức, không khai thác IUU vì lợi ích, danh dự của dân tộc, đất nước và chính người dân.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan báo chí tăng cường truyền thông vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về phòng, chống khai thác IUU; kịp thời nêu gương gương điển hình, người tốt việc tốt; kịp thời phản ánh, phê phán hành vi vi phạm khai thác IUU.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành và địa phương có liên quan, đặc biệt là lực lượng chức năng, nhất là ấp ủy chính quyền cơ sở, người đứng đầu phải tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, giám sát, quản lý chặt chẽ các đội tàu, không để vi phạm IUU và xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”.

Thứ hai, rà soát phân loại xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo hình thức hành chính và hình sự.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc đến tận cùng sai phạm để căn cứ quy định của pháp luật nhằm xử lý đúng người, đúng việc.

Nếu địa phương không có sự chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU trong thời gian tới, tiếp tục xảy ra các sai phạm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo tại Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết 52/NQ- CP của Chính phủ...

NAM PHƯƠNG - Ý PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202408/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-yeu-cau-xu-ly-dut-diem-tau-ca-3-khong-1019670/