Thủ tướng Chính phủ: sớm đưa chính sách vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực cho phát triển

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, sớm đưa chính sách vào cuộc sống; khơi thông nguồn lực cho phát triển, củng cố nền tảng vững chắc để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Chiều 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu tham dự hội nghị chiều 25/12 tại điểm cầu trụ sở Chính phủ - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu tham dự hội nghị chiều 25/12 tại điểm cầu trụ sở Chính phủ - Ảnh: Quochoi.vn

Xây dựng pháp luật với tư duy đổi mới

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, sớm đưa chính sách vào cuộc sống; khơi thông nguồn lực cho phát triển, củng cố nền tảng vững chắc để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Đánh giá công tác xây dựng pháp luật thời gian qua được triển khai tích cực, đạt hiệu quả cao, giải quyết các điểm nghẽn, với tư duy làm luật được đổi mới..., Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, sớm đưa chính sách vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực cho phát triển, củng cố nền tảng vững chắc để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ xác định công tác xây dựng, hoàn thiện gắn với tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp trong công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Đồng thời, trong quá trình chỉ đạo, xây dựng các dự án luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chủ động, kịp thời báo cáo, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền về các vấn đề phát sinh, vấn đề lớn, quan trọng trong các dự án luật.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị - Ảnh: Quochoi.vn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị - Ảnh: Quochoi.vn

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại Kỳ họp thứ 8, ngoài 9 luật đã được Chính phủ trình Quốc hội theo quy trình 2 kỳ họp, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình 7 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết quan trọng, trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp.

"Đây là những văn bản quan trọng, quy định nhiều chính sách mới, đột phá, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, những “điểm nghẽn” về thể chế, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển" - Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Thời gian qua, để khắc phục tình trạng “tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ làm công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết để sớm đưa các quy định của luật, nghị quyết vào cuộc sống...

Cho rằng công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết đạt kết quả, có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, góp phần quan trọng vào những thành công này.

Quang cảnh hội nghị chiều 25/12 - Ảnh: Quochoi.vn

Quang cảnh hội nghị chiều 25/12 - Ảnh: Quochoi.vn

Khẩn trương ban hành văn bản thi hành luật, tránh tạo khoảng trống pháp lý

Thủ tướng Chính phủ cho biết thời gian tới, khối lượng công việc cần thực hiện các luật, nghị quyết là rất lớn. Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có nhiệm vụ ban hành 130 văn bản với 569 nội dung quy định chi tiết; việc triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đòi hỏi sự tập trung, nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương. Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với tổ chức thi hành pháp luật, hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành bám sát yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tuân thủ nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình ban hành văn bản quy định chi tiết.

Khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 130 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết. Đặc biệt là các luật, nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/12/2024, 1/1/2025, 15/1/2025, 1/2/2025 và từ ngày 1/4/2025 để tránh tạo khoảng trống pháp lý; bảo đảm việc thi hành luật được thông suốt, thống nhất, bao trùm, toàn diện.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày tham luận tại hội nghị - Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày tham luận tại hội nghị - Ảnh: Quochoi.vn

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ, phải tăng cường công tác quán triệt, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định, từ đó tự giác chấp hành...

Đồng thời, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức; khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tăng cường giám sát, kiểm tra phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành pháp luật. Khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát, xử lý kịp thời các vướng mắc, bất cập phát sinh, nhất là các bất cập liên quan đến thủ tục hành chính. Cần gắn kết chặt chẽ việc rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính; loại bỏ những quy định không phù hợp, gây phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương cần chủ động vào cuộc, sớm ban hành kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết trên địa bàn; tập trung rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao - nhất là những nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được áp dụng tại địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tham luận tại hội nghị - Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tham luận tại hội nghị - Ảnh: Quochoi.vn

Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả vì lợi ích chung, không ngại về việc luật mới được ban hành đã phải sửa do luật không đi vào được cuộc sống. Phải bỏ tư duy không quản được thì cấm; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa, với tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; cương quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho, không tạo hệ sinh thái xin - cho dễ phát sinh tiêu cực; cương quyết cắt bỏ thủ tục rườm rà, không cần thiết, làm tăng chi phí tuân thủ, cản trở phát triển, tạo tâm lý không tốt cho người dân, doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; những yêu cầu cần triển khai đối với các luật vừa được Quốc hội thông qua và một số kiến nghị về việc triển khai công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới.

Hội nghị cũng được giới thiệu một số nội dung trọng tâm, những điểm mới, đáng chú ý trong các luật và công tác chuẩn bị triển khai thi hành luật gồm: Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đấu thầu; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiếm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân...

Đồng thời, lãnh đạo các địa phương đã thông tin về tác động của chính sách, pháp luật trong việc tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Các đại biểu cũng đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai, nhất là sớm ban hành các nghị định, hướng dẫn chi tiết và kế hoạch triển khai để các luật, nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thu-tuong-chinh-phu-som-dua-chinh-sach-vao-cuoc-song-khoi-thong-nguon-luc-cho-phat-trien.html