Thủ tướng Chính phủ: Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp FDI đầu tư bền vững
Ngày 17/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) có chủ đề 'Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển'.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh:TTXVN)
Dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ có đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh; đại diện lãnh đạo Hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tỉnh Phú Thọ, các doanh nghiệp FDI tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Tính đến 20/8/2022, cả nước có trên 35.500 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên trên 430 tỉ USD; vốn thực hiện của các dự án đạt 264 tỉ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Đối tác đầu tư ngày càng được mở rộng với 139 Quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực.
Các ý kiến thảo luận tại hội nghị tập trung vào một số vấn đề: Phát triển chuỗi sản xuất, tăng cường liên kết; xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; kinh nghiệm về hỗ trợ đầu tư của các địa phương; kiến nghị, giải pháp về xây dựng liên kết vùng để thu hút đầu tư FDI...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại điểm cầu Phú Thọ
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương sự chung tay, đồng hành, đóng góp, chia sẻ và nỗ lực của các nhà đầu tư nước ngoài để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, góp phần cùng Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát toàn diện các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI để đề xuất giải pháp tháo gỡ. Cùng với đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính; rà soát, đánh giá và chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về pháp lý, quỹ đất, hạ tầng, năng lượng, lao động... để sẵn sàng đón các dự án đầu tư; nghiên cứu tạo hành lang pháp lý đối với các hình thức, phương thức đầu tư mới, hợp tác công - tư để thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp đối với các ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh chủ đạo; hình thành các trung tâm năng lượng lớn phù hợp với lợi thế cạnh tranh của các địa phương; đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh nhằm huy động các nguồn xã hội hóa cho đầu tư phát triển.
Đối với các hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư với lợi ích Nhà nước và nhân dân trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Nghiêm túc tuân thủ luật pháp, điều kiện về phát triển bền vững và các quy định về an ninh – quốc phòng; nâng cao trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Chú trọng xây dựng, áp dụng những mô hình quản lý mới, thực hiện đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh, công nghệ xanh và phát triển bền vững; tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ
Tại Phú Thọ có 184 dự án FDI đang hoạt động, vốn đăng ký đầu tư 2.667 triệu USD. Doanh thu 9 tháng năm 2022 ước đạt trên 32.190 tỉ đồng; nộp ngân sách trên 1.100 tỉ đồng; giá trị xuất khẩu ước đạt 6,6 tỉ USD. Doanh nghiệp FDI đã tạo việc làm cho khoảng 90.000 lao động với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải khẳng định: Phú Thọ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đầu tư và địa bàn. Kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, công nghiệp có sự tăng trưởng, trong đó có sự đóng góp quan trọng của doanh nghiệp FDI. Đồng chí giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nắm bắt những thuận lợi, khó khăn của các doanh nghiệp FDI, từ đó giải quyết triệt để những vấn đề phát sinh, nhất là các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách với người lao động. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần thực hiện tốt các quy định pháp luật, bảo vệ môi trường, làm tốt chính sách an sinh xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên để phát triển bền vững.
Nguyễn Huế