Thủ tướng Chính phủ: Tạo mọi điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân

Trả lời đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) về vấn đề kinh tế tư nhân, Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước xác định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng phát triển đất nước.

Chiều 8-11, theo chương trình, sau phần trả lời của Bộ trưởng TT-TT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đăng đàn, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

“Theo tôi, sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu khả thi của hệ thống pháp luật, việc bảo đảm thi hành pháp luật chưa nghiêm, việc chính sách thiếu liên thông, thiếu ổn định, thiếu nhất quán đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Khoảng cách này ngày càng xa, có thể nói pháp luật đang tụt hậu lại phía sau, điều này thể hiện rất rõ trong phiên chất vấn diễn ra trong 3 ngày nay.

Tôi trân trọng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết quan điểm về vấn đề này. Tôi cũng trân trọng đề nghị Quốc hội nếu xét thấy cần thiết tổ chức giám sát chuyên đề hoặc tổ chức phiên chất vấn về vấn đề này”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) chất vấn Thủ tướng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ảnh QH)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ảnh QH)

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Về chồng chéo, trùng giẫm pháp luật, tôi rất công nhận vấn đề này, tôi cho đây là một điểm nghẽn mà Thường vụ Quốc hội cũng như Chính phủ đã thấy được vấn đề này. Luật pháp chúng ta cơ bản là tốt, phải nói như vậy, không phải hệ thống pháp luật đó không thể chỉ đạo đất nước”.

Nhưng bên cạnh đó cũng còn sự chồng chéo, có điểm nghẽn, cho nên quan điểm của Thủ tướng là cần phải rà soát, tổng kết và sửa, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải sắc sảo, phát hiện bất cập để đề xuất các cơ quan có thẩm quyền sửa kịp thời hơn, phải có cơ chế đặc biệt để sửa nhanh, đó là tinh thần một nghị định sửa nhiều nghị định.

Bộ Chính trị cũng có ý kiến chỉ đạo, thậm chí chúng ta sẽ ban hành một luật sửa nhiều luật, nhưng điều quan trọng trong thực tiễn là cơ chế phát hiện nhanh những khó khăn, vướng mắc trong quy định pháp luật, đừng kéo dài do những quy định pháp luật mà ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Thực hiện đúng Luật Tài nguyên nước

Trả lời các đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Lưu Bình Nhưỡng về vấn đề nước sạch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội thông qua, trong đó phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn cho người dân, tránh tình trạng như vừa qua.

“Hôm qua đồng chí Nghĩa có nói về tỷ lệ nhà nước nắm giữ đối với nước sạch. Tôi rất lưy ý câu này, tôi yêu cầu các cấp, các ngành phải nắm và thực hiện theo đúng Quyết định 2502 của Thủ tướng ngày 22/12/2016, tôi cũng nhất trí đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Chính vì vậy, Thủ tướng đã tăng cường chỉ đạo các cấp, kiểm tra các cấp, các ngành để thực hiện đúng Luật Tài nguyên nước mà chúng ta đã ban hành”, Thủ tướng nói.

Nói về dự án điện Bạc Liêu, Thủ tướng cho biết, việc để Bạc Liêu xây dựng nhà máy điện khí không trái quy hoạch. Bởi lẽ, trước đây chúng ta đã có quy hoạch xây dựng nhà máy điện than 1.200MW tại Bạc Liêu, nay chuyển sang xây dựng điện khí.

Chính vì vậy, cần phải đưa ngay bổ sung vào sơ đồ Quy hoạch Điện VII để tỉnh Bạc Liêu triển khai, Bộ Công Thương triển khai việc ngay việc này. Lưu ý các cấp, các ngành có liên quan không được để chậm trễ, để tình trạng nhiều vị đại biểu Quốc hội đã phản ánh việc này với Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng chất vấn Thủ tướng Chính phủ (ảnh QH)

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng chất vấn Thủ tướng Chính phủ (ảnh QH)

Bình đẳng giữa các thành phần kinh tế

Trả lời đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) về vấn đề kinh tế tư nhân, Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước xác định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng phát triển đất nước. Đặc biệt với lĩnh vực kinh tế tư nhân, lần này chúng ta có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân.

Chúng ta vui mừng về việc Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp kinh tế tư nhân. Các địa phương đã chỉ đạo phát triển kinh tế tư nhân, các cấp, các ngành có liên quan được giao chương trình hành động để phát triển kinh tế tư nhân, đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.

Đến nay, kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước. Chúng ta vui mừng khi có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đổi mới khoa học công nghệ, đầu tư những sản phẩm có chất lượng cao, giá trị gia tăng cao trong phát triển kinh tế vừa qua. Đặc biệt các tập đoàn này đã ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới trong phát triển. Đảng, Nhà nước chúng ta hoan nghênh vấn đề phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian vừa qua và tạo mọi điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói nếu doanh nghiệp tư nhân nào làm tốt, đóng góp thiết thực cho đất nước phát triển, đặc biệt những doanh nghiệp công nghệ, nên thưởng huân chương bậc cao cho những doanh nghiệp ấy.

Chúng ta không hề phân biệt giữa kinh tế tư nhân và nhà nước, chúng ta bình đẳng các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa Việt Nam. Yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới”, Thủ tướng nhấn mạnh./.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thu-tuong-chinh-phu-tao-moi-dieu-kien-de-tiep-tuc-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-169324.html