Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại Hà Tĩnh

Trong chuyến công tác tại tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã dâng hương tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc và tiếp đó đã đi khảo sát thực trạng mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà).

Sáng nay (11/6), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đã dâng hương, đặt vòng hoa tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc-nơi ghi danh hơn 4.000 liệt sĩ thanh niên xung phong trong cả nước và khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.

Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, Thủ tướng Chính phủ và đoàn kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các thế hệ cha anh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dâng hượng tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dâng hượng tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc

Với vị trí yết hầu, Ngã ba Đồng Lộc nằm trên các hành lang giao thông nối liền Bắc - Nam, Đông - Tây, là điểm trung chuyển cho các chiến trường hai miền Nam - Bắc và chiến trường Lào, trong những năm 1964-1972 đã ghi dấu sự hy sinh cao cả của quân và dân ta. Hàng vạn chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và người dân nơi đây đã anh dũng chiến đấu, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để mạch máu giao thông không bị tắc nghẽn.

Lúc cao điểm, nơi này có tới 16.000 người làm nhiệm vụ, chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng thanh niên xung phong phá bom, mở đường. Tính bình quân, mỗi mét vuông của mảnh đất Ngã Ba Đồng Lộc đã phải gánh chịu 3 tấn bom đạn. Đặc biệt, Ngã ba Đồng Lộc là nơi 10 cô gái thanh niên xung phong Tiểu đội 4 (thuộc Đại đội 2, Tổng đội Thanh niên xung phong 55 tỉnh Hà Tĩnh) đã anh dũng hy sinh vào ngày 24/7/1968 trong lúc đang làm nhiệm vụ khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình.

Sự hy sinh anh dũng của các nữ thanh niên xung phong đã trở thành biểu tượng cống hiến to lớn của hàng triệu thanh niên vì nước quên thân, không tiếc tuổi xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Thủ tướng Chính phủ thăm hỏi, trò chuyện với các Cựu Thanh niên xung phong

Thủ tướng Chính phủ thăm hỏi, trò chuyện với các Cựu Thanh niên xung phong

Nhân chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh, trong sáng nay đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã đi khảo sát thực trạng mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà).

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, nằm trên địa phận 6 xã (nay là 5 xã Thạch Hải, Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc) thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 14.517,2 tỷ đồng (giai đoạn I: 6.777,4 tỷ đồng; giai đoạn II: 7.739,8 tỷ đồng). Theo đánh giá, trữ lượng, tài nguyên mỏ sắt khoảng 544 triệu tấn, trong đó 369 triệu tấn được huy động vào thiết kế khai thác. Thời gian tồn tại của mỏ là 52 năm.

Tổng diện tích sử dụng đất để thực hiện dự án là 4.821 ha, gồm 3.898 ha trong đất liền và 923 ha lấn biển. Diện tích đất TIC đã ký hợp đồng thuê đất là 552 ha trong đó có khoảng 7.000 hộ dân (27.000 nhân khẩu) bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án.

Thủ tướng khảo sát tại mỏ sắt Thạch Khê

Thủ tướng khảo sát tại mỏ sắt Thạch Khê

Đề án phát triển bền vững kinh tế - xã hội các xã chịu ảnh hưởng bởi dự án mỏ sắt Thạch Khê được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 946/QĐ-TTg ngày 21/6/2011 có tổng vốn đầu tư 1.677 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư bố trí cho Đề án 946 đến năm 2018 khoảng 595,81 tỷ đồng. Tổng số vốn đã thực hiện ước đạt khoảng 495,9 tỷ đồng/1.677 tỷ đồng (đạt 29,57% kế hoạch).

Thông tin nhanh tại chuyến khảo sát, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện dự án đang tồn tại nhiều vấn đề. Trong đó, chưa đủ điều kiện tin cậy để khai thác, nhất là từ độ sâu -145m đến -550m; lý do có thể xảy ra thảm họa bất ngờ gây tụt bờ moong mỏ khi khai thác xuống sâu từ - 145m. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án chưa có giải pháp xử lý khi gặp hang động ngầm thông biển, hang caster, dẫn đến không thể khai thác giai đoạn 1 và bổ sung nghiên cứu, cập nhật điều kiện khai thác.

Thêm vào đó, dự án cũng có nhiều nguy cơ như: tụt nước ngầm, sa mạc hóa; đổ nước thải ra biển gây ô nhiễm; tác động biến đổi khí hậu, bão, nước dâng... Quá trình vận chuyển sản phẩm dự án bằng đường bộ khó khả thi, gây ô nhiễm trong khi khu vực mỏ là biển ngang, chưa có chi phí xây dựng cảng.

Ngoài ra, dự án cũng ảnh hưởng đến phát triển du lịch - đô thị biển hiện hữu, ảnh hưởng đến môi trường, thủy hải sản, việc làm, đời sống người dân trên địa bàn.

Qua báo cáo từ phía lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần phải có sự tính toán theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể để lựa chọn hướng đi phù hợp trong thời gian tới. Việc quyết định dừng hay tiếp tục triển khai dự án phải có đánh giá khoa học, khách quan; có đánh giá tác động tổng thể từ kinh tế đến tính chất xã hội, đời sống người dân, môi trường và các vấn đề liên quan; việc đánh giá cũng phải mang tính dự báo dài hơi. Sau đánh giá, trường hợp có lợi thì tổ chức triển khai, nếu chưa có lợi thì dừng lại và tiếp tục nghiên cứu.

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, việc này phải sớm có quyết sách đúng đắn để ổn định đời sống dân cư địa phương. Quyết sách này phải đảm bảo cơ sở khoa học và hợp lòng dân.

Nguyễn Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thu-tuong-chinh-phu-tham-va-lam-viec-tai-ha-tinh-141454.html