Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chuyển trạng thái phòng chống dịch trước diễn biến mới của dịch COVID-19
PTĐT - Chiều 7/5, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 họp trực tuyến toàn quốc, quán triệt các nội dung trước những diễn biến mới của dịch bệnh.
Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.Tại điểm cầu Phú Thọ, đồng chí Hồ Đại Dũng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh chủ trì. Tình hình dịch COVID-19 trên cả nước tuy cơ bản được kiểm soát song nguy cơ bùng phát rất cao, nhất là từ ngày 28/4 - 7/5/2021 đã ghi nhận 6 ổ dịch cộng đồng với tổng số 146 trường hợp mắc tại 16 tỉnh/thành phố.Tại tỉnh Phú Thọ, hiện chưa phát hiện ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh; có 8 công dân tỉnh Phú Thọ nhiễm COVID-19 tại địa phương khác; có 1 trường hợp nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2. Các hoạt động truy vết, cách ly y tế đối với các trường hợp liên quan đến trường hợp L.T.K.D - ca nghi ngờ mắc COVID-19 đã được thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đúng quy định. Qua điều tra truy vết sơ bộ, đến nay đã phát hiện có 20 F1; 234 F2; 130 F3 liên quan đến trường hợp này.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này được xác định là khó khăn hơn, phức tạp hơn do sự xuất hiện của những biến chủng mới của virus. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, Việt Nam cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tuy nhiên thời gian qua các cấp chính quyền tại nhiều địa phương, các ngành chức năng và nhiều người dân đã có biểu hiện lơ là, chủ quan trong công tác phòng dịch.Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, việc phòng chống dịch cần chuyển từ trạng thái phòng ngự sang kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chủ yếu. Vũ khí để tấn công dịch bệnh chính là đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến trong truy vết, rà soát, khoanh vùng dịch; tổ chức tiêm vắc xin trên diện rộng…Thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần nâng cao mức độ cảnh báo, kích hoạt toàn hệ thống chính trị vào cuộc và huy động mọi người dân tham gia công tác phòng chống dịch. Khẩn trương, tăng tốc thực hiện truy vết các trường hợp tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh, các trường hợp đi về từ khu vực có dịch; nâng cao năng lực xét nghiệm, năng lực cách ly của tất cả các địa phương để chuẩn bị sẵn sàng, kỹ lưỡng cho kịch bản dịch bùng phát trên diện rộng.
Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm soát nghiêm khu vực biên giới, quản lý chặt chẽ các hoạt động xuất nhập cảnh, lưu trú của người nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là hoạt động nhập cảnh trái phép qua biên giới trên bộ, trên biển và lưu trú trái phép; kiểm tra, rà soát việc lưu trú của người nước ngoài trên địa bàn theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ trong các hoạt động phòng chống dịch, đặc biệt là các ứng dụng trong quản lý người nhập cảnh, người cách ly. Các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung, tổ chức bàn giao, tiếp nhận và giám sát y tế sau khi cách ly tập trung; tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý chuyên gia, người nhập cảnh. Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành địa phương thường xuyên rà soát, cập nhật các quy định về phòng chồng dịch theo hướng tăng cường phân cấp, tăng tính chủ động của chính quyền các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch, cá nhân hóa trách nhiệm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thủ tướng Chính phủ đề nghị đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, bảo đảm nguyên tắc phản ánh kịp thời, trung thực, đầy đủ, khách quan, sát tình hình thực tế; không đưa các thông tin tiêu cực gây hoang mang dư luận hoặc tạo tâm lý chủ quan, lơ là trong nhân dân.