Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 13

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn Quốc gia: Hồi 16 giờ ngày 14-11, vị trí tâm bão số 13 ở khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng - Thừa Thiên-Huế khoảng 170km, cách Quảng Trị khoảng 300km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 180km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 70km tính từ tâm bão.

* Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị giúp nhân dân phòng, chống bão

* LLVT miền Trung huy động lực lượng cao nhất ứng phó thiên tai

* Bão số 13 hướng vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão số 13 di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Đến 16 giờ ngày 15-11, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào. Từ ngày 14 đến 16-11, từ phía nam Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa 150-250mm/đợt, có nơi trên 350mm; ở Thanh Hóa, phía bắc Nghệ An và Quảng Ngãi có mưa to với lượng mưa 50-150mm/đợt. (HOÀNG XUÂN)

 LLVT TP Hội An đưa người dân lên xe đi sơ tán tránh bão số 13. Ảnh: VIỆT HÙNG.

LLVT TP Hội An đưa người dân lên xe đi sơ tán tránh bão số 13. Ảnh: VIỆT HÙNG.

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân

Ngày 14-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Công điện số 1601/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 13.

Công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng... Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT), Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (UPSCTT&TKCN), các bộ, ngành, địa phương liên quan dừng các cuộc họp không thật sự cần thiết, tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1597/CĐ-TTg ngày 12-11-2020, yêu cầu tất cả tàu, thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn; kiểm soát chặt chẽ việc cấm biển, kiên quyết không để người ở lại trên chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản, trên tàu, thuyền tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố; tổ chức kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng. Các bộ, ngành, địa phương liên quan tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thường trực để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. (PHÚC THÁI)

Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị giúp dân ứng phó bão

Ngày 14-11, Bộ Quốc phòng có Điện số 81/TK yêu cầu các đơn vị: Quân khu 3, 4, 5, Quân chủng Hải quân, Phòng không-Không quân; Bộ tư lệnh: Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quân đoàn 1, 3, Binh đoàn 18 tập trung chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện nghiêm túc chế độ trực, nắm chắc tình hình, có biện pháp bảo đảm an toàn cho các lực lượng, phương tiện, doanh trại, kho trạm...; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương huy động mọi nguồn lực giúp nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, sạt lở; bảo đảm an toàn cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ.

Văn phòng Ủy ban Quốc gia UPSCTT&TKCN đã thành lập hai đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão, mưa lũ, sạt lở.

Về công tác quản lý tàu, thuyền, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với chính quyền các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận thông báo, kiểm đếm 59.752 phương tiện với 289.062 người; Bộ Quốc phòng và các địa phương huy động 302.368 lượt người với 3.004 phương tiện các loại tham gia ứng phó bão số 13 và khắc phục hậu quả thiên tai. (HÀ KHÁNH)

LLVT miền Trung sẵn sàng ứng phó bão, lũ

* Trước tình hình bão số 13 dự kiến đổ bộ vào miền Trung, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị quán triệt, chủ động ứng phó với bão. Theo đó, các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực ở các cấp, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, kiểm đếm, kêu gọi, thông báo cho tàu, thuyền biết diễn biến và hướng đi của bão để tìm nơi tránh trú; phối hợp với các lực lượng di dời dân ở những địa bàn xung yếu, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn. Các đơn vị kiểm tra lại phương tiện, vật chất PCTT, TKCN, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật chất để làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. (HOA LÊ)

* Ngày 14-11, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nghệ An có Công điện số 45 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 13. Theo đó, tổ chức, hướng dẫn neo đậu an toàn cho tàu, thuyền; chủ động đưa tàu, thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại. Kiểm soát chặt chẽ việc cấm biển, sơ tán người ra khỏi các khu vực nguy hiểm trên biển, ven biển, kiên quyết không để người ở trên chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản, trên tàu, thuyền tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn cho người dân; sơ tán người ra khỏi các nhà không an toàn, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, lũ quét... Rà soát phương án bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều, các công trình phòng, chống lụt, bão... (TUẤN HUY)

* Tại Hà Tĩnh, toàn bộ 3.957 tàu, thuyền với 14.932 lao động của địa phương đã vào bờ tránh trú an toàn. LLVT tỉnh Hà Tĩnh rà soát lại hệ thống doanh trại, phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa. Đối với những vùng dễ bị ngập lụt cô lập, các đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị phương án sơ tán dân khi có tình huống xảy ra. Các cơ quan, đơn vị LLVT tỉnh Hà Tĩnh duy trì 100% quân số, chuẩn bị tốt về mọi mặt, sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có yêu cầu. Tỉnh tổ chức cấm biển từ 17 giờ ngày 13-11. (NGUYỄN LAM)

* Tại tỉnh Quảng Bình, toàn bộ 6.564 tàu cá của ngư dân địa phương và 147 tàu cá ngoại tỉnh đang neo đậu an toàn tại các âu thuyền, bến bãi. LLVT tỉnh Quảng Bình đang phối hợp với các địa phương cương quyết di dời, sơ tán người dân ở các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ ống, lũ quét đến các vị trí an toàn, hoàn thành việc di dời trước 16 giờ ngày 14-11, đồng thời bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, thuốc, dụng cụ y tế và phương tiện để tham gia ứng phó bão, lũ. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình duy trì trực 100% quân số và 15 tàu, xuồng, ca nô, 15 ô tô các loại, sẵn sàng tham gia ứng phó bão và TKCN, triển khai 40 tổ/190 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ chằng chống gần 250 nhà dân. (LAM THỦY)

* Tại tỉnh Quảng Trị, tất cả 2.312 phương tiện với 7.163 lao động địa phương đều đã vào bờ tránh trú; có 36 tàu với 251 thuyền viên của tỉnh khác đang neo đậu tại Quảng Trị. LLVT tỉnh Quảng Trị cũng duy trì 100% quân số, sẵn sàng phương tiện tổ chức cứu hộ-cứu nạn khi có tình huống. Ngoài ra, các tổ công tác cũng đã được lệnh cơ động đến những địa bàn trọng điểm hỗ trợ chính quyền và nhân dân địa phương triển khai ứng phó với bão, lũ. (VIẾT LAM)

* Chiều 14-11, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức họp quán triệt và triển khai nhiệm vụ ứng phó với bão số 13. Tính đến 16 giờ ngày 14-11, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo các ban CHQS huyện, thị xã, thành phố huy động gần 200 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, 2.568 chiến sĩ dân quân, tự vệ, 41 ô tô, phối hợp với các địa phương tổ chức di dời 70.780 khẩu/21.291 hộ. Phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh kêu gọi 2.062 tàu, thuyền hoạt động trên biển về nơi neo đậu an toàn. Bộ CHQS tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến của bão; tổ chức chằng chống nhà cửa, kho trạm bảo đảm tuyệt đối an toàn; tổ chức trực 100% quân số tại doanh trại, sẵn sàng tham gia ứng phó và khắc phục hậu quả sau bão. (LÊ SÁU)

* Ngày 14-11, LLVT TP Đà Nẵng phối hợp với các lực lượng trên địa bàn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động và hỗ trợ người dân sơ tán đến nơi tránh trú bão an toàn; hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, chèn cát lên mái tôn để hạn chế thiệt hại do bão. Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và TKCN TP Đà Nẵng, tính đến 14 giờ 30 phút ngày 14-11, các lực lượng đã sơ tán hơn 21.000 hộ dân với hơn 98.000 người, gần 1.600 tàu, thuyền neo đậu an toàn tại các khu trú tránh bão, tập trung tại âu thuyền Thọ Quang. (SƠN TRÀ)

Sơ tán 66.123 hộ với 216.886 người đến nơi an toàn

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT, để ứng phó bão số 13, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, tính đến 17 giờ ngày 14-11, các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã triển khai sơ tán 66.123 hộ với 216.886 người đến nơi an toàn. Trong đó, các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế đã hoàn thành công tác sơ tán dân, các địa phương khác vẫn đang tiếp tục triển khai công tác sơ tán dân. (ĐIỆP HÀ)

Kiểm tra, rà soát việc tích nước, vận hành hồ chứa

Để bảo đảm an toàn cho công trình và hạ du các hồ chứa thủy điện, ngày 14-11, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đã có Công văn số 190/TWPCTT gửi Bộ Công Thương, UBND các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và UBND các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện việc chỉ đạo các cơ quan chức năng, các chủ hồ và Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định về tích nước, vận hành cũng như các phương án bảo đảm an toàn công trình và hạ du hồ chứa theo quy định. Phát hiện kịp thời và có các biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, báo cáo về Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT. (NGỌC HÀ)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/thu-tuong-chinh-phu-yeu-cau-tap-trung-ung-pho-khan-cap-bao-so-13-643878