Thủ tướng chủ trì hội nghị đánh giá 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030' (Đề án 06).
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, Quốc hội và địa phương.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chỉ còn 10 ngày nữa là kết thúc năm 2023 - năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 với những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, có nhiều vấn đề chưa có tiền lệ - cũng là năm của quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, với nhiều thành tựu trong các lĩnh vực của đất nước, trong đó có công tác chuyển đổi số quốc gia và thực hiện Đề án 06.
Thủ tướng cho biết, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia; phê duyệt Đề án 06 (ngày 06/1/2022) và đã triển khai thực hiện với 7 quan điểm chỉ đạo, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với lộ trình triển khai cụ thể.
Thủ tướng khẳng định, đây là đề án có sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao, bởi vì chuyển đổi số là công việc rất khó khăn, chưa có tiền lệ, nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt thì khó có thể đạt được kết quả.
Có thể nói, một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số ở nước ta trong 2 năm qua là Đề án 06. Sau 2 năm thực hiện Đề án 06 đã thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; góp phần hạn chế tiêu cực, "tham nhũng vặt"; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Tuy nhiên Thủ tướng cũng chỉ rõ, để hoàn thành các mục tiêu Đề án 06 đến năm 2025, phía trước còn rất nhiều việc phải làm; có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ, phải khẩn trương triển khai; có những việc nhìn thấy "nguy cơ" khó có thể hoàn thành nếu không chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, nhất quán, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng nhau thảo luận, phân tích, đánh giá thực chất tình hình, trung thực, khách quan, có minh chứng bằng số liệu cụ thể những kết quả đạt được trong 2 năm qua. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của đơn vị, địa phương mình.
Cùng với đó thẳng thắn chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến; những vấn đề còn có khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và quá trình triển khai thực hiện và đề xuất các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, cũng như các quan điểm mới trong triển khai Đề án 06.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã báo cáo về công tác thực hiện đề án 06 thời gian qua trong đó nêu rõ, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện được tiến hành quyết liệt, thường xuyên, liên tục, bài bản với quyết tâm chính trị cao từ cấp Trung ương đến địa phương, đã ban hành 06 chỉ thị, 23 nghị quyết, 04 công điện với 413 nhiệm vụ; lãnh đạo Chính phủ đã họp giao ban 33 buổi.
Mô hình Tổ công tác triển khai Đề án 06 ba cấp với 63 tổ công tác cấp tỉnh, 705 tổ công tác cấp huyện và 10.599 tổ công tác cấp xã.
Nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về thực hiện Đề án 06 ngày càng được nâng cao; đã đồng tình hưởng ứng và tham gia tích cực.
Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khuôn khổ cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng được triển khai tích cực, hiệu quả: Trình Quốc hội thông qua Luật giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Căn cước (sửa đổi); hoàn thành 4 văn bản quy phạm pháp luật và sửa đổi, bổ sung 19 nghị định liên quan. Triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng CSDLQG về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp (ddã có hơn 11,2 triệu tài khoản và hơn 35,4 triệu hồ sơ nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai 38/53 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm hằng năm trên 2,5 nghìn tỷ đồng).
Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ giữa CSDLQG về dân cư với các CSDL các bộ, ngành, địa phương cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 15 bộ, ngành, 63 địa phương, 01 doanh nghiệp nhà nước và 03 doanh nghiệp viễn thông với hơn 1,3 tỷ lượt tra cứu, khai thác thông tin công dân).
Bên cạnh đó, các CSDLQG về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch, đất đai, tài chính, cán bộ, công chức, viên chức đang được hoàn thiện, kết nối, chia sẻ với CSDLQG về dân cư. Tạo lập nền tảng, quan trọng để hình thành hệ sinh thái công dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử.
Đẩy mạnh sử dụng nền tảng định danh điện tử (VneID), như đã tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 16,8 triệu dữ liệu bảo hiểm y tế; làm thủ tục hàng không cho chuyến bay nội địa; khai báo lưu trú; giấy chứng nhận tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19; tích hợp thông tin cư trú của công dân …
Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân được được quan tâm, chú trọng, hiện có 63% hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước được phê duyệt cấp độ an toàn, tăng 32,5% so với năm 2022./.