Thủ tướng chủ trì hội nghị phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
Hơn 800 đại biểu tham dự hội nghị phát triển kinh tế-xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tại Bình Định.
Sáng 5-2, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03-11-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.
Chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực còn thấp
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng hơn 800 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo, cán bộ chủ chốt 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hội nghị diễn ra với chủ đề “Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững”.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nói đây là hội nghị “ba trong một”, được tổ chức với mục đích công bố chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị sẽ cụ thể hóa nghị quyết bằng các nguồn lực triển khai thực hiện cụ thể thông qua hình thức xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có kinh tế tăng trưởng bình quân 7,3%/năm giai đoạn 2005-2020, cao hơn mức trung bình cả nước. Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 tăng gấp 9,1 lần so với năm 2004.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo; một số ngành kinh tế cơ bản, nhất là các ngành kinh tế biển, các ngành có giá trị gia tăng cao được hình thành và phát triển; du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thu ngân sách tăng khá, một số địa phương đã cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị được cải thiện. Văn hóa, xã hội có bước phát triển; chất lượng giáo dục - đào tạo và các chỉ tiêu y tế cơ bản được cải thiện. An sinh xã hội được bảo đảm, tỉ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh….
Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá.
8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Chính phủ đề ra tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Một là công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Hai là hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Ba là chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Bốn là phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông.
Năm là quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sáu là phát triển toàn diện văn hóa - xã hội vùng. Bảy là bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tám là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng.
Chương trình hành động của Chính phủ cũng đề ra 34 nhiệm vụ cụ thể, 11 dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.
Chương trình hành động của Chính phủ đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của vùng nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể. Chương trình hành động gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù sẽ là cơ sở và cơ hội cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.
Hội nghị đang diễn ra với phần trình bày tham luận của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương.
PLO sẽ tiếp tục thông tin về hội nghị này.