Thủ tướng chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 6/3, tại Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vùng ĐBSCL có diện tích tự nhiên 39,7 nghìn km2 chiếm 12,2 % diện tích cả nước, có dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước, là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững ĐBSCL (ảnh: TTXVN).

Vùng ĐBSCL có diện tích tự nhiên 39,7 nghìn km2 chiếm 12,2 % diện tích cả nước, có dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước, là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL tăng 1,6%, đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,5 triệu tấn thóc (chiếm 55,4% cả nước), 0,78 triệu tấn tôm (chiếm 83,5%), 1,47 triệu tấn cá tra (chiếm 98%) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60%).

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến hết năm 2021 có 69,6% số xã đạt chuẩn, trong đó có thành phố Cần Thơ và tỉnh Bạc Liêu đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đến hết năm 2021 đã bố trí, sắp xếp lại được 112.894 hộ dân cư: vùng thiên tai 91.089 hộ, vùng biên giới 5.882 hộ và vùng đặc biệt khó khăn 15.923 hộ. Toàn vùng có trên 100.000 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, trên 2.460 HTX nông nghiệp (24,8% tham gia chuỗi liên kết sản xuất).

Thủ tướng kiểm tra các công trình tại khu vực lấn biển Kiên Giang (ảnh: TTXVN).

Về cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tính đến nay, tỷ lệ số xã toàn vùng đạt tiêu chí về hạ tầng giao thông nông thôn là 78% (gần bằng con số này của cả nước - 79%).

Cùng với đó, hệ thống hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai, cấp nước sinh hoạt, hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cũng được đầu tư nâng cấp như Khu neo đậu tránh trú Rạch Gốc (Cà Mau), Hòn Tre (Kiên Giang), Kinh Ba (Sóc Trăng), Cung Hầu (Trà Vinh), Bình Đại (Bến Tre), Cửa sông Soài Rạp (Tiền Giang)... đã góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

An Mai

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-thuc-day-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-dong-bang-song-cuu-long-post184251.html