Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc 'Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến'

Sáng 31/8, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị Chuyên đề toàn quốc của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số 'Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến'.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị tại điểm cầu trực tiếp Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Tùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị tại điểm cầu trực tiếp Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Tùng.

Cùng dự Hội nghị ở điểm cầu trực tiếp tại trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lương Tam Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; cùng đại biểu là lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ, ngành; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông tin đến các đại biểu lý do chọn Đà Nẵng làm điểm cầu trực tiếp của Hội nghị là do thành phố này dẫn đầu cả nước về xây dựng chương trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số có 3 trụ cột gồm: Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số. Đà Nẵng là địa phương xây dựng Chính phủ số nổi bật so với nhiều địa phương khác.

Nhấn mạnh chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, yêu cầu hàng đầu trong quá trình phát triển, trọng tâm của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng đề nghị Hội nghị tập trung rà soát các chỉ tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Những nhiệm vụ đã làm tốt thì thực hiện tốt hơn, những nhiệm vụ chưa đạt được thì có giải pháp đột phá, tăng tốc hơn.

Thủ tướng gợi mở một số vấn đề để đại biểu thảo luận, trao đổi tại hội nghị như: Đánh giá kết quả về nhận thức, tư duy, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện để mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, chuyển đổi số đến nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập như: công tác lãnh đạo, điều hành, tư duy nhận thức có nơi có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; hạ tầng chưa phát triển đồng bộ (nhất là ở các vùng sâu vùng xa); hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng, vẫn còn hơn 80% hồ sơ dịch vụ công trực tuyến chưa được xử lý toàn trình.

Tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng, nơi diễn ra Hội nghị Chuyên đề toàn quốc của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến” sáng 31/8. Ảnh: Thanh Tùng.

Tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng, nơi diễn ra Hội nghị Chuyên đề toàn quốc của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến” sáng 31/8. Ảnh: Thanh Tùng.

Theo báo cáo tại hội nghị: Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến. Giai đoạn 1 (được coi là giai đoạn khởi động) khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước. Giai đoạn 2 (giai đoạn phát triển theo chiều rộng), khi cả nước có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến được đánh giá trong báo cáo là thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ ngành, địa phương. Vẫn còn nhiều đơn vị đạt kết quả rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình. Một số địa phương đạt tỷ lệ rất cao lên tới 69% nhưng vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ lệ rất thấp dưới 5%, trung bình khối địa phương chỉ đạt 17,9%.

Báo cáo cũng đề cập: Để bước vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%. Việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức phục vụ người dân và doanh nghiệp lên môi trường mạng.

Khi hoàn tất phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số.

Thanh Tùng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-toan-quoc-nang-cao-hieu-qua-cung-cap-va-su-dung-dich-vu-cong-truc-tuyen-10289154.html