Thủ tướng chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nhằm đánh giá hoạt động thị trường chứng khoán 2023 và đưa ra phương hướng nhiệm vụ năm 2024.

Sáng 28/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 do Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ phối hợp tổ chức.

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các Đại sứ, Trưởng cơ quan quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam, các tổ chức tham gia thị trường chứng khoán.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ ngành và các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các thành viên thị trường chứng khoán đã thảo luận nhằm đánh giá hoạt động thị trường chứng khoán 2023 và đưa ra phương hướng nhiệm vụ năm 2024.

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, trong bối cảnh chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế, nhưng với sự hỗ trợ từ nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đơn vị liên quan, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 chứng kiến sự phục hồi tốt, cấu trúc thị trường ngày càng được hoàn thiện, nhiều kết quả quan trọng trên các khía cạnh đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục là điểm sáng thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, là kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 tiếp tục trải qua nhiều biến động, tăng giảm đan xen. Tính đến ngày 29/12/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.129,93 điểm, tăng 12,2% so cuối năm 2022 và chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 231,04 điểm, tăng 12,5% so cuối năm 2022, là mức tăng trưởng tốt so với nhiều nước trong khu vực châu Á.

Tính chung cả năm 2023, giá trị giao dịch bình quân đạt 17.579 tỷ đồng/phiên, giảm 12,9% so bình quân năm 2022. Quy mô vốn hóa và quy mô niêm yết của thị trường cổ phiếu tiếp tục tăng so cuối năm 2022.

Tính đến cuối năm 2023, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5.937 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so cuối năm 2022, tương đương 58,1% GDP ước tính năm 2023. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường đạt 2.128 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so cuối năm 2022 với 739 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán và 862 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư mới tham gia thị trường tiếp tục tăng mạnh. Trong năm 2023, tổng số tài khoản chứng khoán tăng 395.290 tài khoản so với cuối năm 2022, đưa tổng số lượng tài khoản chứng khoán lên hơn 7,29 triệu tài khoản, tương đương 7,5% dân số, vượt mức 5% dân số theo mục tiêu được Chính phủ đưa ra trong Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”.

Lực cầu thị trường đến từ nhà đầu tư trong nước khi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trước áp lực tỷ giá tăng mạnh.

Trong năm 2023, sau khi mua ròng mạnh trong quý I trên thị trường cổ phiếu với tổng giá trị mua ròng lên tới 6.959 tỷ đồng, nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển sang bán ròng liên tục từ tháng 4 đến năm 2023 trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục điều chỉnh tỷ giá trung tâm của VND với USD lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Tính chung cả năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 21.301 tỷ đồng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ.

Vũ Khuyên/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-trien-khai-nhiem-vu-phat-trien-thi-truong-chung-khoan-post1079388.vov