Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến với 34 tỉnh, thành phố và hơn 3.300 xã, phường, đặc khu trên toàn quốc
Chiều ngày 3/7/2025, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ kết hợp với Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tháng 6/2025.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 34 tỉnh, thành phố cùng hơn 3.300 đơn vị hành chính cấp xã, phường, đặc khu trong cả nước. Đây là hội nghị có quy mô lớn, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên đồng bộ vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp sau cuộc cải cách tổ chức hành chính có tính lịch sử.
Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng; các Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ; thành viên Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện các ban, ủy ban của Quốc hội cùng lãnh đạo các địa phương.
Phiên họp tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, quý II và 6 tháng đầu năm 2025; tiến độ phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cải cách thủ tục hành chính; và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 7 và thời gian còn lại của năm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi và chúc mừng tốt đẹp đến toàn thể đại biểu từ cấp Trung ương đến địa phương.
Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của hội nghị - phiên họp Chính phủ đầu tiên sau cuộc cách mạng cải tổ tổ chức hành chính địa phương với mô hình hai cấp, chính thức vận hành từ ngày 1/7/2025 tại 34 tỉnh, thành và 3.321 xã, phường, đặc khu.
Thủ tướng nhận định, 6 tháng đầu năm 2025 diễn ra trong bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường, với nhiều thách thức lớn hơn cơ hội.
Những điểm nổi bật của tình hình quốc tế bao gồm: chính sách thuế đối ứng khắt khe từ Mỹ; xung đột leo thang tại nhiều khu vực; cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc ngày càng gay gắt; tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại; đứt gãy chuỗi cung ứng; biến động mạnh của giá dầu và vàng; cùng với tác động ngày càng nghiêm trọng của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động và bất định, phân cực về chính trị, phân tách về kinh tế, phân mảnh về thể chế, phân hóa về phát triển và mức sống”.
Ở trong nước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ 8 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Các nhiệm vụ này gồm: (1) Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; (2) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong năm 2025 và tạo đà, tạo lực, tạo thế tăng trưởng 2 con số những năm tới; (3) đàm phán thuế với Mỹ và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, sản xuất; (4) trình ban hành và tổ chức triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị cùng các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về "bộ tứ trụ cột"; (5) chuẩn bị, phục vụ chu đáo kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV mang tính "lịch sử"; (6) tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến đến Đại hội XIV của Đảng; (7) tổ chức chu đáo, thành công chuỗi các sự kiện kỷ niệm lớn của dân tộc; (8) triển khai vượt tiến độ phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước và dự kiến hoàn thành dịp kỷ niệm 80 năm thành lập nước.

Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ - Ảnh: VGP
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục xu hướng tích cực: tháng sau tiến bộ hơn tháng trước, quý sau khởi sắc hơn quý trước, với nhiều chỉ tiêu vượt cùng kỳ năm trước.
Nổi bật là tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy mạnh mẽ; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt; các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi và nợ công nằm trong giới hạn an toàn; lĩnh vực văn hóa, xã hội, an sinh được quan tâm; đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh vững chắc; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được tăng cường.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra các khó khăn, hạn chế còn tồn tại. Các động lực truyền thống cần được tăng tốc mạnh mẽ hơn, trong khi các động lực tăng trưởng mới vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận thực chất các vấn đề cốt lõi: phân tích đúng bối cảnh, chỉ ra các điểm mới, điểm khác; đánh giá chính xác tình hình kinh tế - xã hội; làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học; đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho tháng 7, quý III và phần còn lại của năm, nhằm hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII.
Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm: ổn định bộ máy chính quyền mới; đạt tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên; bảo đảm tiến độ các chương trình văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, đối ngoại; thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, xây dựng nhà ở xã hội; và sử dụng hiệu quả nguồn tăng thu ngân sách để hoàn thiện hệ thống trường học kiên cố tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.