Thủ tướng chủ trì họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương
Hôm nay (4-7), dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí Phó Thủ tướng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ với địa phương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương; các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các địa phương tại các điểm cầu trong cả nước. Đây là phiên họp thứ hai Chính phủ sử dụng hệ thống e-Cabinet, sau phiên họp đầu tiên ngay tại lễ khai trương vào ngày 24-6.
Tại điểm cầu Hà Nội, dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng.
Kiên quyết không để vướng mắc kéo dài
Phát biểu khai mạc hội nghị, sau khi điểm lại những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Tại phiên họp này, việc khẳng định kết quả đạt được là rất quan trọng, nhưng tôi mong muốn các đồng chí trưởng ngành, lãnh đạo các địa phương đề cập nhiều hơn, tập trung hơn vào những tồn tại, hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức mà đất nước, từng bộ, ngành, địa phương phải đối mặt”. Trên cơ sở đó, các đại biểu cùng bàn kỹ để đưa ra đối sách, giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả, kiên quyết không để vướng mắc kéo dài, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất; phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự cần được quan tâm nhiều hơn, như gian lận thi cử, đạo đức, văn hóa ứng xử, xâm hại trẻ em, tình trạng trẻ em đuối nước, rác thải nhựa, xảy ra nhiều vụ trọng án giết người dã man, đánh bạc trên mạng quy mô lớn, nạn buôn bán ma túy…
“Tôi muốn nhấn mạnh với các đồng chí rằng, tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công nhân viên chức đại bộ phận chúng ta là tốt. Anh em có nhiều cố gắng, có trách nhiệm, nhưng vẫn còn một bộ phận nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc lơ là, bê trễ trong công việc, nên lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành cần chấn chỉnh ngay, không để đến khi vi phạm phải xử lý, mất cán bộ. Tình trạng nói hay, làm dở, làm chậm, trách nhiệm thấp, kể cả chuyển lòng vòng, cấp dưới kêu ca, người dân chờ đợi vẫn còn”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, với trách nhiệm cao nhất, tiếp thu, lắng nghe và xử lý nhanh những vấn đề tồn tại kéo dài.
“Chúng ta có thái độ nhìn nhận nghiêm túc, thể hiện trách nhiệm nhưng đặc biệt, phải tìm giải pháp khắc phục trong 6 tháng cuối năm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại điểm cầu thành phố Hà Nội.
Tốc độ tăng trưởng quý III-2019 cần đạt tối thiểu 6,91%
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu không có yếu tố bất thường, dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 có thể đạt mục tiêu đề ra là 6,8%. Bộ trưởng lưu ý, quý III là giai đoạn rất quan trọng, có tính chất quyết định, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng đạt tối thiểu 6,91%. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ, thực hiện nhanh, quyết liệt các giải pháp, củng cố niềm tin và sự an tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra ở mức cao.
Bộ trưởng cũng chỉ ra, giải ngân vốn đầu tư công tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng tiến độ nhìn chung còn chậm, đặc biệt là vốn nước ngoài. Do đó, thời gian tới, cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3-8-2017 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Trong đó, đặc biệt lưu ý quy định: Các dự án, nếu đến ngày 30-9-2019 giải ngân đạt dưới 30%, sẽ không được tiếp tục bố trí kế hoạch vốn năm sau.
Liên quan tới việc thực hiện cải cách, bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: “Các bộ, ngành cần ưu tiên thực hiện ngay các hoạt động hướng dẫn, theo dõi, giám sát việc thực thi để bảo đảm các cải cách được thực hiện đầy đủ, doanh nghiệp ghi nhận sự thay đổi tích cực”.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thông tin về sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Kinh tế vĩ mô của thành phố tiếp tục ổn định, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ, với tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 7,21% (cùng kỳ tăng 7,15%). Đặc biệt, trong điều kiện có nhiều thách thức, thu ngân sách nhà nước của Hà Nội đạt 133.854 tỷ đồng, bằng 50,9% dự toán năm, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2018; khách du lịch đến Thủ đô đạt 14,4 triệu lượt, tăng 10,6% so với cùng kỳ của năm 2018...
Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và cả nhiệm kỳ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết một số vấn đề còn vướng mắc, nhất là việc khuyến khích phát triển kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, giải ngân vốn đầu tư xây dựng... (Xem chi tiết)
Sớm loại bỏ những nút thắt thể chế
Trong phần thảo luận, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương bày tỏ đồng thuận cao với kế hoạch tăng tốc 6 tháng cuối năm mà Chính phủ đưa ra, đồng thời nêu rõ những nút thắt thể chế có nguy cơ làm chậm sự phát triển của địa phương và đất nước.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cải cách hành chính mạnh hơn nữa, đích đến là hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và cán bộ thực thi công vụ; thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh theo nghị quyết của Quốc hội, xem đây là tiền đề để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển thành phố năm 2019 và các năm tiếp theo. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ sớm thông qua nghị quyết cho phép địa phương này thực hiện cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn.
Nêu tình trạng Hải Phòng đang gặp khó trong việc sử dụng quỹ đất công để thanh toán cho các nhà đầu tư dự án BT (xây dựng - chuyển giao), Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho hay, việc chậm thanh toán khiến địa phương sẽ phải chịu một phần lãi vay, nếu kéo dài thì thiệt hại tương đối lớn và kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết quy định về sử dụng tài sản công thanh toán cho các chủ đầu tư thực hiện dự án BT ký sau thời điểm 1-1-2018.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu cũng phản ánh, thời gian qua việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán quá nhiều đoàn, nội dung trùng nhau. "Riêng năm 2018, Hậu Giang tiếp 11 đoàn, chúng tôi thấy quá nhiều. Đề nghị các bộ, ngành trong khi lập kế hoạch tranh tra, kiểm tra, kiểm toán có sự thống nhất, tránh trùng lặp gây khó khăn cho địa phương" - ông Lê Tiến Châu nêu rõ. Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành hai nghị định liên quan đến việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện để địa phương thực hiện tốt và đồng bộ sắp xếp bộ máy theo tinh thần của Trung ương. Nếu để kéo dài việc này sẽ ảnh hưởng đến tâm tư của cán bộ, công chức.
Xử nghiêm hành vi nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp
Về những kiến nghị của các địa phương, các Phó Thủ tướng, bộ trưởng một số bộ, ngành đã giải đáp với tinh thần chung nhất là những việc gì đã làm tốt rồi cần phải làm tốt hơn. Ngoài ra, cả hệ thống chính trị phải đồng lòng không lùi bước trước khó khăn; kiên quyết xử nghiêm những hành vi vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, những vấn đề, ý kiến đưa ra tại phiên họp rất quan trọng. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh, đặc biệt là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất hơn môi trường đầu tư kinh doanh ở mọi địa phương, mọi ngành; trong đó rà soát lại các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, hối lộ, gây cản trở sự phát triển.
Ngoài ra, để đối phó với rủi ro bên ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành cần theo dõi chặt chẽ, đánh giá đầy đủ tác động của chính sách tiền tệ, cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, từ đó đưa ra kịch bản kịp thời. Quan điểm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, kiên trì mục tiêu đề ra, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, phát huy tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, linh hoạt trong mọi tình huống quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm 2019...
Theo Cổng thông tin điện tử chính phủ, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm giai đoạn 2011-2017, trong bối cảnh 70% các nền kinh tế trên thế giới rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại.
Đáng chú ý, ngành Nông nghiệp gặp khó khăn do bệnh Dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng nên chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018.
Điểm sáng của khu vực này là thủy sản tăng trưởng 6,45% do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao và là mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây. Xuất khẩu rau, củ, quả lần đầu tiên đạt mức hàng tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2019 giảm 0,09% so với tháng trước và CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Lạm phát cơ bản tháng 6-2019 tăng 0,16% so với tháng trước.
Giải ngân vốn FDI 6 tháng đầu năm ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, lượng khách quốc tế đến nước ta đều tăng.
Số liệu cập nhật ngày 2-7-2019 của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, nhập khẩu 120,8 tỷ USD, xuất siêu 1,6 tỷ USD.
6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký. Có 21.617 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018.