Thủ tướng chủ trì phiên đối thoại chính sách với các khách mời, tập đoàn kinh tế

Lần đầu tiên, Diễn đàn Kinh tế TP HCM thiết kế phiên đối thoại chính sách trực tiếp giữa Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo bộ, ngành với các khách mời, tập đoàn trong và ngoài nước

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2024 lần thứ 5, chiều 25-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch UBND TP HCM, lãnh đạo các tỉnh, thành với các khách mời, các tập đoàn trong nước và quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên đối thoại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên đối thoại.

Phiên đối thoại này nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng và các bộ, ngành về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại TP HCM, cũng như vấn đề chiến lược quốc gia; đồng thời kiến nghị với Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.

Tại phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ niềm tự hào về TP HCM khi tổ chức Diễn đàn Kinh tế mỗi năm có quy mô lớn hơn, đại biểu tham dự nhiều hơn, vấn đề sâu sắc hơn.

"Từ sáng đến giờ, tôi học được rất nhiều điều từ diễn đàn. Diễn đàn này sẽ chia sẻ, lắng nghe về tầm nhìn, hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng… Tôi tin chắc rằng sau hội nghị hôm nay, mỗi người ra về sẽ có 1 phần quà là kiến thức mà hội nghị mang lại" - Thủ tướng bày tỏ.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chia sẻ về chính sách tài chính để phát triển kinh tế xanh

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chia sẻ về chính sách tài chính để phát triển kinh tế xanh

TS Trần Du Lịch - người điều phối chương trình - đặt câu hỏi với lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành

TS Trần Du Lịch - người điều phối chương trình - đặt câu hỏi với lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành

Phát biểu đề dẫn phiên đối thoại, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới sáng tạo và chuyển đổi ngành công nghiệp của thành phố để thích ứng với những thay đổi này.

Theo ôngVõ Văn Hoan, sự phát triển công nghệ mang tính đột phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị đến xã hội và môi trường. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng tạo ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nguồn lực phải lớn, nhân lực phải dồi dào, chính sách pháp luật phải hoàn thiện; hợp tác quốc tế phải sâu rộng hơn nữa. Sự chủ động của địa phương là rất cần thiết nhưng những quyết sách của Trung ương là quan trọng, quyết định thành công của quá trình chuyển đổi.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại phiên đối thoại.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại phiên đối thoại.

"Để TP HCM chuyển đổi công nghiệp thành công, ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cần sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.

Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đã mở ra cơ hội lớn cho thành phố trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội nói chung và vấn đề phát triển, chuyển đổi công nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện sẽ gặp phải những vấn đề khó khăn và bất cập.

"Phiên đối thoại chính sách tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2024 hôm nay là cơ hội cho doanh nghiệp phản ánh kiến nghị, chính sách để Chính phủ và chính quyền thành phố lắng nghe, tìm kiếm giải pháp xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp ở TP HCM và các địa phương trong cả nước" – ông Võ Văn Hoan nhìn nhận.

Tin: Thanh Nhân; ảnh: Hoàng Triều

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thu-tuong-chu-tri-phien-doi-thoai-chinh-sach-voi-cac-khach-moi-tap-doan-kinh-te-196240925164217316.htm