Thủ tướng chủ trì Phiên họp Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia lần thứ nhất

Chiều 24/7, Thủ tướng chủ trì Phiên họp Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia lần thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025.

Đề cao trách nhiệm cá nhân, phân công rõ ràng, điều hành sát sao

Phát biểu khai mạc Phiên họp, thay mặt Tổng Bí thư Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân, gia đình người bị nạn do thiên tai, đặc biệt là thân nhân, gia đình các nạn nhân thiệt mạng, mất tích trong vụ chìm tàu Vịnh Xanh 58 (Hạ Long, Quảng Ninh) và trong cơn bão số 3 những ngày qua.

Thủ tướng cũng chia sẻ nỗi đau, sự mất mát, thiệt hại to lớn về tài sản đối với nhân dân các xã miền núi tại tỉnh Nghệ An đang hứng chịu bởi đợt lũ lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão.

Chiều 24/7/2025, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Chiều 24/7/2025, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Thủ tướng cho biết, sáng 24/7, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã chỉ đạo dùng máy bay trực thăng tiếp tế lương thực, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu cho nhân dân vùng bị chia cắt tại Nghệ An. Trước đó, Thủ tướng đã cử Phó Thủ tướng Chính phủ vào Nghệ An, có mặt tại các vùng xung yếu, làm việc, kiểm tra tình hình, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó.

Thủ tướng nhắc nhở tuyệt đối không chủ quan, lơ là trước tình hình thiên tai, đặc biệt không để tình trạng "dân đang bị chia cắt mà lãnh đạo nói không lên được". "Đang chia cắt mới cần lãnh đạo, cần lực lượng chủ công bằng mọi cách để nắm tình hình, bằng mọi cách để tiếp cận địa bàn bị chia cắt, bằng mọi cách để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cho biết theo quy định, phòng thủ dân sự bao gồm: Các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh… Thủ tướng nêu rõ, Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo để bàn về một trong những nội dung rất quan trọng của Ban Chỉ đạo là chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai.

Phòng, chống thiên tai là nội dung phòng thủ đặc biệt vì nước ta có địa hình trải dài, thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều loại hình thiên tai (bão, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, động đất, nắng hạn, xâm nhập mặn…), "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa".

Trước tác động của biến đổi khí hậu khiến thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, cực đoan, khó đoán định hơn. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đánh giá toàn diện công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian qua, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2025. Nội dung đánh giá cần tập trung làm rõ những kết quả đạt được trong chỉ đạo, ứng phó; đồng thời chỉ ra các tồn tại, khó khăn, vướng mắc để rút ra bài học kinh nghiệm cho công tác lãnh đạo, điều hành trong những tháng cuối năm và giai đoạn tới.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc phân công, phân định rõ trách nhiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo phòng chống thiên tai phải được thực hiện phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn. Bộ Quốc phòng – với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng thủ dân sự – sẽ là đơn vị chủ trì.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường vẫn giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, do đây là chức năng, nhiệm vụ chuyên môn được giao. Do đó, hai bộ cần phối hợp chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả thực thi. Việc phân công phải cụ thể theo đúng tinh thần “6 rõ” gồm: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ thẩm quyền và rõ kết quả.

Về tổ chức bộ máy, Thủ tướng lưu ý, sau khi chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp, cấp xã hiện đang chịu áp lực lớn trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Nguồn lực tại chỗ chủ yếu nằm ở cấp xã, do đó, cần xác định rõ thẩm quyền, nâng cao vai trò, năng lực của cấp xã trong tổ chức thực hiện.

Dẫn chứng tình huống thực tế tại một số địa phương như Con Cuông (Nghệ An) trong đợt mưa lũ vừa qua, Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng, đồng thời nhấn mạnh: “Thiên tai diễn biến phức tạp, bất ngờ, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và sự chủ động rất cao của từng bộ, ngành, từng cá nhân được phân công nhiệm vụ”

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tham gia đầy đủ các phiên họp, đảm bảo theo dõi sát sao diễn biến tình hình, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Việc tham gia không chỉ theo cơ quan đại diện mà cần xác định cụ thể từng cá nhân, tên tuổi chịu trách nhiệm, làm căn cứ cho công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá sau này.

Thiên tai năm 2024 gây thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 91.622 tỷ đồng

Tại Việt Nam, thiên tai năm 2024 xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình trên khắp các vùng miền trên cả nước, trong đó một số loại hình thiên tai lớn, diện rộng với 10 trận bão, 01 áp thấp nhiệt đới, 240 trận mưa lớn, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất, 278 trận dông lốc, sét, mưa đá, 409 trận sạt lở và hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, 472 trận động đất, 04 đợt rét hại, 19 đợt gió mạnh trên biển, 17 đợt nắng nóng,…gây thiệt hại lớn về người và tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Chiều 24/7/2025, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Chiều 24/7/2025, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Thiên tai năm 2024 đã làm 519 người chết, mất tích (gấp hơn 3 lần so với năm 2023 và 2,5 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023); thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 91.622 tỷ đồng (gấp 10 lần so với năm 2023 và gấp hơn 4 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023).

Từ đầu năm 2025 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long; 2 đợt mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt nghiêm trọng (từ ngày 17/5-19/5 và từ ngày 20-22/6/2025) tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ; bão số 1 và mưa lũ lịch sử cực đoan, trái mùa, trái quy luật tại các tỉnh miền Trung từ ngày 10-14/6/2025; dông lốc ngày 19/7/2025 trước bão số 3 tại Quảng Ninh làm 39 người chết, mất tích; hoàn lưu bão số 3 gây mưa lũ lớn tại Nghệ An,… Thiên tai từ đầu năm 2025 (đến ngày 23/7/2025) đã làm 114 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 553 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1585/QĐ-TTg tổ chức lại Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn thành Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.Quyết định số 1585/QĐ-TTg nêu rõ: Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia (Ban Chỉ đạo) là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước; trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các bộ, ngành trung ương và Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp tỉnh.Ban Chỉ đạo tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ xây dựng, triển khai các chính sách, pháp luật, chiến lược, đề án, dự án, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn.Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức liên quan, địa phương thực hiện hoạt động phòng thủ dân sự; ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; điều phối lực lượng phòng thủ dân sự chuyên trách, kiêm nhiệm bảo đảm cho hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trên phạm vi cả nước, sẵn sàng tham gia các hoạt động quốc tế về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức; tổ chức đào tạo, huấn luyện, diễn tập; xây dựng công trình và bảo đảm trang thiết bị; hợp tác quốc tế; sơ kết, tổng kết, khen thưởng về hoạt động phòng thủ dân sự.Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là Trưởng Ban Chỉ đạo.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-chu-tri-phien-hop-ban-chi-dao-phong-thu-dan-su-quoc-gia-lan-thu-nhat-412071.html