Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 7 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Chiều 2/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 7 của BCĐ, đánh giá kết quả công tác CCHC năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phiên họp được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ với UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ CCHC tỉnh; thành viên BCĐ CCHC tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị, các huyện, Thành phố.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Cao Bằng.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Cao Bằng.

Năm 2023, với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tạo động lực, chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện công tác CCHC của cả hệ thống hành chính và đạt được nhiều kết quả. Trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, quy trình, TTHC đang cản trở sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề ra 4.142 nhiệm vụ; xác định cụ thể trách nhiệm, thời gian triển khai cho từng cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện; có nơi cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong triển khai từng nhiệm vụ CCHC được giao.

Trong năm, các bộ, ngành, địa phương ban hành 5.586 văn bản, trong đó các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 884 văn bản, các địa phương ban hành 4.791 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện có hiệu quả. 20 bộ, cơ quan và 63/63 địa phương triển khai công tác kiểm tra CCHC tại 493 cơ quan, đơn vị thuộc bộ, 424 đơn vị cấp sở, ngành và 397 UBND cấp huyện; kịp thời phát hiện, xử lý và chỉ đạo xử lý đối với 227/245 vấn đề tồn tại, hạn chế.

Các bộ, ngành thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 28,59%, các địa phương đạt 39,48%; số hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các bộ, ngành đạt 28,6%, tại các địa phương đạt 45,3%; 0,19% bộ, ngành và 9,52% địa phương khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa. Hồ sơ TTHC giải quyết đúng hoặc sớm hạn tại bộ, ngành đạt 50,60% (tăng 3,8% so với năm 2022), tại địa phương đạt 90,75% (giảm 1,61% so với năm 2022).

Đẩy mạnh rà soát, cấu trúc lại quy trình TTHC để tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia; tăng cường kết nối, thanh toán trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong năm, có 4.585 TTHC cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (2.622 thủ tục của người dân, 2.427 thủ tục của doanh nghiệp); trên 276 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 33 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia...

So với năm 2022, công tác cải cách TTHC có cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, vướng mắc, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp; một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm; kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương với các cơ sở dữ liệu quốc gia chưa thông suốt; nhiều dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho người dân, doanh nghiệp cao chất lượng còn thấp; còn tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ...

Tại phiên họp, các đại biểu phân tích, đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong CCHC; làm rõ và đề ra giải pháp khắc phục, khơi thông những điểm ách tắc trong tổ chức triển khai thực hiện CCHC thời gian tới.

Đối với tỉnh Cao Bằng, năm 2023, có 198.416 hồ sơ TTHC tiếp nhận số hóa, trong đó, 139.843 hồ sơ có số hóa thành phần hồ sơ, đạt 70,48%; 135.039 hồ sơ số hóa đầy đủ thành phần hồ sơ, đạt 68,06%; số hóa kết quả 15.495 hồ sơ; thực hiện giải quyết TTHC đúng và trước hạn ở cả 3 cấp đạt 99,09%.

UBND tỉnh ban hành 63 quyết định công bố danh mục TTHC, trong đó, công bố mới 68 TTHC (cắt giảm thời gian giải quyết đối với 35 TTHC); sửa đổi bổ sung 297 TTHC, chuẩn hóa 296 TTHC, bãi bỏ 77 TTHC. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản (VNPT-iOffice), phần mềm một cửa liên thông hiện đại (VNPT-iGate) được duy trì triển khai sử dụng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện, xã; 100% các cơ quan quản lý Nhà nước ở cả 3 cấp có mạng LAN; 100% cán bộ, công chức sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; 97% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử, hệ thống được kết nối thông suốt với Trục liên thông văn bản quốc gia.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh kiến nghị: Các bộ, ngành liên quan sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về việc thu thập, phân tích dữ liệu kinh tế số tại địa phương để xác định giá trị kinh tế số vào tăng trưởng GRDP; hỗ trợ triển khai các giải pháp xóa vùng trắng sóng, lõm sóng di động tại 169 thôn, xóm của tỉnh. Hướng dẫn thu thập, phân tích số liệu về tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ; nghiên cứu, bổ sung chức năng thống kê số liệu trên Phần mềm dịch vụ công liên thông đối với hai nhóm TTHC thiết yếu (đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng) để cán bộ, công chức quản lý hộ tịch nắm được tình hình và kịp thời tổng hợp số liệu báo cáo Tổ công tác Đề án 06 các cấp.

Hỗ trợ tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý các lỗi phát sinh trong Phần mềm hệ thống thông tin quản lý hộ tịch 158 để chuyển dữ liệu số hóa sổ hộ tịch vào Phần mềm hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp; triển khai thống nhất một nền tảng dùng chung cho toàn ngành y tế để kết nối, liên thông, chia sẻ giữa các thông tin, dữ liệu; ban hành định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng giá dịch vụ công. Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan bổ sung chức năng nộp phí, lệ phí vào Phần mềm dịch vụ công liên thông đối với những trường hợp có quy định nộp phí, lệ phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia cho 2 TTHC liên thông.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị thành viên BCĐ, các bộ, ngành, địa phương cần xác định đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển, tạo khí thế mới, động lực mới, giá trị mới và thành công mới; đẩy mạnh CCHC lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ CCHC có trọng tâm, trọng điểm trên 6 lĩnh vực: Tháo gỡ khó khăn về thể chế, pháp lý cho sản xuất, kinh doanh; đơn giản hóa TTHC, phân cấp, phân quyền mạnh hơn, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; tập trung xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng văn hóa công sở, đạo đức công vụ, nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân trực tiếp thực thi công vụ; tăng thu, giảm chi thường xuyên, cơ cấu lại chi đầu tư phát triển (tăng 2%/năm), chống tiêu cực, tham nhũng trong sử dụng tài chính công; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền số, công dân số, tập trung thực hiện Đề án 06...

An Lê

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thu-tuong-chu-tri-phien-hop-thu-7-ban-chi-dao-cai-cach-hanh-chinh-cua-chinh-phu-3167376.html