Thủ tướng: Có thể lập tổ công tác để rà soát vướng mắc cơ chế, chính sách bảo hiểm xã hội
Tại buổi làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Thủ tướng lưu ý, có thể lập tổ công tác để rà soát những vướng mắc của cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để đề xuất, tham mưu các cấp có thẩm quyền...
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc - Ảnh: VGP
Làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 8/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để chăm lo an sinh xã hội tốt hơn cho người dân, vừa tạo thuận lợi cho người thụ hưởng chính sách, vừa phòng chống trục lợi chính sách, tiêu cực, thất thoát, lãng phí.
ĐẠT NHIỀU KẾT QUẢ NỔI BẬT
Báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, số người tham gia bảo hiểm xã hội đã tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện, vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết của Trung ương (trong 2 năm gần đây tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 10 năm từ 2008-2018). Còn bảo hiêm y tế cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân, về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết của Trung ương.
Đến hết tháng 11/2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục tăng trưởng so với năm 2020, đạt 16,202 triệu người (tăng 38,7 nghìn người), bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, đạt 2,6% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức (vượt 1,6% chỉ tiêu được giao); 88 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt hơn 90% dân số.
Công tác chuyển đổi số được đặc biệt chú trọng, giúp nâng cao hiệu quả nhiều mặt hoạt động của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Ngành đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu hơn 98 triệu dân, là nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Việc kết hợp giữa thanh tra, kiểm tra, giám sát theo phương thức truyền thống với thanh tra, kiểm tra, giám sát theo phương thức điện tử giúp tăng hiệu quả, chất lượng, giảm nhân lực, thời gian thanh tra, kiểm tra, giảm số cuộc thanh tra, kiểm tra, nhưng phát hiện, xử lý được nhiều vi phạm hơn; từ năm 2017 tới nay đã từ chối thanh toán, giảm chi quỹ bảo hiểm y tế hơn 9.359 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh báo cáo tại cuộc họp - Ảnh: VGP
Các thủ tục giải quyết chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động được rút ngắn thời gian từ 05 ngày xuống chỉ còn 01 ngày làm việc. Đặc biệt, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng trong hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đặt mục tiêu đến hết năm 2025, số người tham gia bảo hiểm xã hội là 23,1 triệu, đạt 45% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 18 triệu người, đạt 35% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia bảo hiểm y tế là 95 triệu người, bao phủ 95% dân số.
Tuy nhiên, các ý kiến tại cuộc họp cũng nêu rõ, một số quy định của chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trong quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ bất cập, cần tiếp tục được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung. Tốc độ gia tăng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế còn chậm; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp so với tiềm năng; số người đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần vẫn có chiều hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ, chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm vẫn còn xảy ra. Việc giải quyết các chế độ, quyền lợi đối với người lao động còn khó khăn khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhưng giải thể, phá sản, chủ là người nước ngoài bỏ trốn do chưa có cơ chế xử lý đối với nợ của các doanh nghiệp này. Việc quản lý quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gặp khó khăn do cơ chế, chính sách…
LẬP TỔ CÔNG TÁC RÀ SOÁT VƯỚNG MẮC BẢO HIỂM XÃ HỘI
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số kết quả trong mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhất là trong triển khai chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
"Đây là vấn đề chưa được pháp luật quy định nhưng các cơ quan chức năng đã đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, giải quyết yêu cầu cấp bách phát sinh trong thực tiễn. Cùng với đó, Quỹ Bảo hiể Xã hội kết dư tốt, đạt gần 1 triệu tỷ đồng, bảo đảm an toàn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Bảo hiểm xã hội cũng đạt nhiều kết quả trong sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế…", Thủ tướng ghi nhận.
Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ một số bài học rút ra trong hoạt động của Bảo hiểm Xã hội thời gian qua, như luôn bám sát, thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; luôn nỗ lực cao nhất trong khả năng có thể; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương; giữ vững đoàn kết, thống nhất.
Về công việc sắp tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng lớn như tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP
Cùng với đó, phải nhận thức thật sâu sắc, đầy đủ, toàn diện về vai trò của an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dứt khoát không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, lấy người dân là chủ thể, là trung tâm, là mục tiêu và là động lực phát triển; góp phần vào sự ổn định chính trị, sự lành mạnh của xã hội và sự phát triển của đất nước.
Định hướng lớn khác là trong công việc phải bám sát, dựa trên 3 trụ cột chính của an sinh xã hội gồm phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro; đồng thời tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, linh hoạt, chủ động để tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền các giải pháp xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra.
Về công việc cụ thể, Thủ tướng đề nghị cần tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; trong bối cảnh nguồn lực, thời gian có hạn, tình hình phức tạp, công việc có những khó khăn, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Thủ tướng lưu ý, có thể lập tổ công tác để rà soát các vướng mắc của cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để đề xuất, tham mưu các cấp có thẩm quyền.
Trong các hoạt động chuyên môn, Thủ tướng lưu ý việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm Xã hội phải vừa bảo đảm quyền lợi của người đóng bảo hiểm, vừa bảo đảm an toàn, tăng trưởng và phát triển, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô, vì lợi ích chung.
Thủ tướng yêu cầu tập trung, làm tốt hơn nữa công tác chuyển đổi số và xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu; nâng cao năng lực, trình độ quản trị theo hướng hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để vừa tạo nhanh chóng, thuận lợi cho người thụ hưởng chính sách, vừa phòng chống trục lợi chính sách.
"Bối cảnh dịch bệnh thời gian vừa qua đã khẳng định điều này là hết sức quan trọng, khi chúng ta phải bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người trong thời gian rất ngắn thì phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để bảo đảm công việc nhanh chóng, chính xác", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát lại, xây dựng lộ trình khắc phục hiệu quả các tồn tại, hạn chế; chú trọng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông để dân hiểu, dân biết, dân tin, dân nghe, dân theo, dân làm trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.
Thủ tướng giao các cơ quan chức năng tổng hợp các kiến nghị của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đề xuất các cấp có thẩm quyền giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tinh thần chung là ủng hộ, không để ách tắc công việc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao năng lực, tạo điều kiện tốt hơn cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đặt lợi ích dân tộc quốc gia lên trên hết, trước hết.