Thủ tướng: Công tác triển khai thí điểm chính sách đặc thù phát triển TPHCM còn chậm

Theo Thủ tướng, so với việc triển khai Nghị quyết 54 năm 2017 trước đây thì việc triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vẫn còn chậm so với yêu cầu, thực tiễn, mong muốn của thành phố và Chính phủ...

Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Nghị quyết số 98/2023/QH15 quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM về (i) quản lý đầu tư; (ii) tài chính, ngân sách Nhà nước; (iii) quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; (iv) ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; (v) quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; (vi) tổ chức bộ máy của chính quyền TP.HCM và thành phố Thủ Đức.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 (ngày 24/6/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với TP.HCM triển khai Nghị quyết. Thủ tướng sau đó ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98.

Tại phiên họp đầu tiên (ngày 26/11/2023), Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành và TPHCM trong thực hiện Nghị quyết 98. Tại phiên họp thứ hai, các đại biểu đã tập trung báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết 98, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 506/TB-VPCP kết luận Hội nghị lần thứ nhất, nguyên nhân, kinh nghiệm, các vướng mắc, kiến nghị, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.

PHÂN CẤP TỐI ĐA CHO TP.HCM

Tại cuộc họp sáng ngày 3/2 tại Hội nghị lần thứ hai của Ban Chỉ triển khai Nghị quyết 98, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo, ghi nhận TP.HCM đã hoàn thành 10/22 nhiệm vụ. HĐND Thành phố đã thông qua 49 nghị quyết triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có 9 nghị quyết triển khai Nghị quyết số 98; đã tổ chức 4 kỳ họp, thông qua 24 nghị quyết cụ thể hóa 19/27 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền.

UBND Thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 98; hoàn thành 6/25 nội dung, cho ý kiến để các cơ quan chủ trì bổ sung hoàn thiện 19/25 nội dung còn lại, trình UBND Thành phố ban hành theo tiến độ.

Về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nhiệm vụ các bộ, ngành Trung ương, đến nay các bộ ngành đã trình ban hành 2/4 nghị định của Chính phủ và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể gồm Nghị định số 07/2024/NĐ-CP ngày 1/2/2024 quy định chi tiết việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường; Nghị định số 11/2024/NĐ-CP ngày 2/2/2024 quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán dự án đầu tư theo hợp đồng BT; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn TP.HCM; Quyết định số 20/2023/QĐ-TTg ngày 10/8/2023 quy định việc phân cấp, trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật TP.HCM.

Về thực hiện 13 nhiệm vụ tại Thông báo số 506/TB-VPCP, đến nay các cơ quan đã hoàn thành 2/13, đang triển khai 10/13, còn nhiệm vụ số 7 chưa triển khai (xây dựng hạ tầng tuyến đường sắt đô thị).

"So với việc triển khai Nghị quyết 54 năm 2017 trước đây thì việc triển khai Nghị quyết 98 có nhiều việc hơn, nhưng việc thực hiện có tốc độ, chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, so với yêu cầu, thực tiễn, mong muốn của TP.HCM và Chính phủ thì còn có khoảng cách, việc triển khai vẫn còn chậm", Thủ tướng đánh giá.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo cần tăng cường hơn nữa nhận thức, phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tự giác, chủ động, sáng tạo để tập trung thực hiện công việc; quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, sát sao hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, rút ra bài học kinh nghiệm, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn.

"Quá trình làm không chỉ dừng lại ở các việc đã đề xuất mà cần đề xuất nếu gặp vấn đề mới, vấn đề phát sinh. Cái gì vướng, chưa phù hợp thì tiếp tục bổ sung", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đổi mới cách làm với TP.HCM, trong đó các bộ, ngành chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao phải phân công nhân sự chuyên trách đủ năng lực, trình độ, trách nhiệm đam mê, để triển khai công việc liên quan.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát. Thủ tướng nói với những quyền của Thủ tướng, ông sẽ phân cấp tối đa cho TP.HCM. Ông cũng đề nghị các bộ, ngành phân cấp hết cho TP.HCM, bộ nào không phân cấp hay phân cấp thì phải làm rõ.

GIAO NHIỆM VỤ CỤ THỂ CHO TỪNG BỘ, NGÀNH

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện, trình nghị định của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho TP.HCM (Bộ Nội vụ chủ trì), hoàn thành trong tháng 2/2024.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện, trình ban hành Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công (Bộ Công Thương chủ trì), hoàn thành trong quý 2/2024.

Về hướng dẫn phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp khẩn trương hướng dẫn phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện.

"Người dân ở đâu thì nơi đó thuận lợi nhất để việc cấp phiếu lý lịch tư pháp, làm sao đơn giản nhất cho người dân, để người dân không mất nhiều thời gian, chi phí tuân thủ", Thủ tướng phát biểu.

Về phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thủ tướng nêu rõ, cần lựa chọn một nhà đầu tư chiến lược liên doanh với đối tác Việt Nam để thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế, trong đó có các yêu cầu của UNESCO liên quan khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Các đại biểu dự cuộc họp - Ảnh: VGP

Các đại biểu dự cuộc họp - Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu tăng cường hơn nữa, làm tốt công tác truyền thông để người dân trong nước và các đối tác quốc tế hiểu rõ về các vấn đề liên quan việc phát triển cảng Cần Giờ, trong đó nhấn mạnh cảng Cần Giờ và cảng Cái Mép-Thị Vải hiện hành sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp, không phải Cái Mép riêng, Cần Giờ riêng. Đồng thời, đánh giá tác động kỹ lưỡng môi trường, trình cấp có thẩm quyền trong quý 1/2024.

Thủ tướng cũng giao cụ thể nhóm nhiệm vụ liên quan một số dự án cao tốc, trong đó Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan nguồn vốn cho đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương trình thủ tục triển khai dự án cao tốc TPHCM-Mộc Bài và đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương.

Về đầu tư xây dựng hạ tầng tuyến đường sắt đô thị, UBND TP.HCM khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư tổng thể, huy động nguồn lực đủ lớn trong và ngoài nước để thực hiện đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị của Thành phố theo quy hoạch. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sẽ trình đề án tổng thể này trong quý I/2024.

Về áp dụng mức chuẩn nghèo theo đặc thù TP.HCM, giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổng hợp các tỉnh, thành phố có mức chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo Trung ương và hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 2/2024.

Thủ tướng yêu cầu cuộc họp sau phải có nhiều tiến bộ hơn cuộc họp trước để Nghị quyết 98 được thực hiện thành công. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị TP.HCM tiếp tục rà soát các công việc để tổ chức cho người dân đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm, lành mạnh, nghĩa tình, không để ai không có Tết.

Tiến Dũng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thu-tuong-cong-tac-trien-khai-thi-diem-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-tphcm-con-cham.htm