Thủ tướng đồng ý cho địa phương áp dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn dịch bệnh

Chiều ngày 8-2, phát biểu kết luận họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chủ tịch UBND TPHCM, Hà Nội và các thành phố lớn cũng như các tỉnh đang có ổ dịch được áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh, ví dụ như giãn cách xã hội ở một số khu phố, quận, địa bàn có ca lây nhiễm…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19. Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội. Tại cuộc họp, ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, đối với một số trường hợp cố tình không khai báo trung thực, các cơ quan phải xử phạt nghiêm theo quy định. Ông cho biết mới đây Hà Nội đã công bố xử phạt 15 hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19.

Xử lý người khai báo dịch tễ không trung thực

Hiện dịch bệnh Covid-19 đã loang rộng ra nhiều tỉnh thành phố trên cả nước trong đó có nguyên nhân người bệnh giấu thông tin, khai báo dịch tễ không thành khẩn. Để kiểm soát dịch bệnh, đã đến lúc cần mạnh tay xử lý người khai báo dịch tễ không thành khẩn.

 Cơ quan chức năng phong tỏa tòa nhà Garden Hill, 99 Trần Bình, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 vào ngày 8-2. Ảnh: TTXVN

Cơ quan chức năng phong tỏa tòa nhà Garden Hill, 99 Trần Bình, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 vào ngày 8-2. Ảnh: TTXVN

Trước đó, tại buổi làm việc trong cùng ngày 8-2 với UBND quận Nam Từ Liêm về ca mắc Covid-19 mới trên địa bàn quận, ông Chử Xuân Dũng cho biết, lịch trình của bệnh nhân N.T.K.A trên địa bàn quận Nam Từ Liêm khá phức tạp nhưng lại khai báo quanh co gây mất thời gian của cơ quan chức năng và ảnh hưởng đến công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Phó Chủ tịch TP Hà Nội đề nghị cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, xử phạt hành chính 2 cá nhân là BN 1722 (Nam Từ Liêm) và bệnh nhân N.T.K.A (tòa nhà Garden Hill, 99 Trần Bình, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm) do thiếu trung thực trong quá trình khai báo lịch trình di chuyển. Đồng thời huy động cơ quan Công an quận vào cuộc, có biện pháp khai thác lịch trình cụ thể và xử lý hình sự nếu vi phạm.

Trốn khai báo y tế, hai vợ chồng bị xử phạt 20 triệu đồng

UBND TP Hải Dương vừa ra quyết định xử phạt 2 trường hợp là hai vợ chồng tại phường Hải Tân 20 triệu đồng vì có hành vi trốn khai báo y tế. Do hai vợ chồng này và hai con đã tới dự liên hoan tất niên tại nhà bệnh nhân mắc Covid-19 mà không khai báo y tế khi cơ quan chức năng phát hiện ra ca bệnh và kêu gọi người dân khai báo y tế. Sau khi rà soát lại, ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại đây đã phát hiện và lập tức đưa 4 người trong gia đình trên đi cách ly.

Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định tất cả những người mắc bệnh truyền nhiễm, người nhập cảnh từ vùng có dịch đều phải khai báo y tế. Với những trường hợp khai báo không trung thực làm ảnh hưởng trực tiếp đến cả cộng đồng và xã hội, ông Tấn cho rằng họ cần phải chịu trách nhiệm về những hành vi gian dối, không trung thực của mình.

Ông Tấn cho rằng cần phải áp dụng chặt chẽ các quy định pháp luật, xử lý nghiêm khắc để làm gương, bảo đảm tính răn đe cho những trường hợp khác không tái diễn. Như vậy, mới đảm bảo được công tác phòng, chống dịch chặt chẽ và toàn diện. Ông dẫn chứng thêm Bộ Luật hình sự 2015 và Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định hết sức cụ thể các chế tài xử lý các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Đối chiếu với quy định trên, hành vi khai báo gian dối nhằm trốn tránh việc cách ly y tế có thể sẽ bị phạt tới 10 triệu đồng theo Điều 10 – Nghị định 176/2013/NĐ-CP.

Ngoài việc bị xử lý hành chính, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, bệnh nhân có thể bị xử lý hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo Điều 240 – Bộ Luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Trường hợp hậu quả dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 10-12 năm. Nếu gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì cá nhân vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015.

Còn theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty Luật Hừng Đông, Nghị định 117 năm 2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã quy định rất rõ, xử phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi như che giấu không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Theo quyết định số 29 của Bộ Y tế, dịch bệnh Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Ngoài ra, hành vi cố ý lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm cho người khác hoặc là những hành vi phát tán bệnh tật cho người khác còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự. Trong quá trình điều trị hoặc quá trình đang theo dõi, người có nghi ngờ bị bệnh không khai báo trung thực diễn biến dịch bệnh của mình cho y bác sĩ tại cơ sở y tế biết thì cũng có thể bị xử phạt đến từ 1-3 triệu đồng.

Địa phương áp dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn dịch

Theo Chinhphu.vn, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương ngành y tế, các lực lượng chức năng, các địa phương đã kịp thời áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ, tổng lực, quyết liệt thực hiện chỉ thị của Thủ tướng với các biện pháp sáng tạo, đồng bộ. Các ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh cơ bản được kiểm soát.

Tuy nhiên, việc xuất hiện các ca mới ở TPHCM là nghiêm trọng mà theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, nếu xét nghiệm diện rộng thì số ca tại thành phố lớn này sẽ tăng trong những ngày tới.

Trước tình hình đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phải bình tĩnh, hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền Thành phố cần vào cuộc quyết liệt, đặc biệt vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế. Trước hết, mọi người dân cần đeo khẩu trang ở nơi công cộng, không tụ tập đông người. Thủ tướng hoan nghênh TPHCM, Hà Nội không tổ chức bắn pháo hoa vào đêm giao thừa để tránh tập trung đông người, phòng chống dịch bệnh.

Các địa phương vận động công nhân, người lao động, kể cả chủ nhà máy, xí nghiệp tổ chức sản xuất, sinh hoạt tại chỗ để hạn chế tối đa việc đi lại dịp Tết, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Thủ tướng nhất trí việc Bộ Y tế chỉ đạo xét nghiệm diện rộng một số khu vực dễ lây nhiễm để truy vết, xử lý nhanh.

Tất cả các địa phương, đặc biệt ngành y tế, tham mưu đề xuất chuẩn bị nguồn lực, kể cả sinh phẩm, vật tư y tế, lương thực thực phẩm, bệnh viện dã chiến ở một số nơi để đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra.

Một số địa phương trọng điểm, nhất là các thành phố, chuẩn bị các kịch bản có thể xảy ra. Không chỉ vận động thực hiện nghiêm 5K mà yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm. TPHCM, Hà Nội có phương án xử lý riêng với cách làm phù hợp, Thủ tướng lấy ví dụ như thực hiện Chỉ thị 15, 16, giãn cách xã hội ở một số khu vực mà địa phương thấy cần thiết như giãn cách xã hội ở một số khu phố, quận, địa bàn có ca lây nhiễm khi thấy tình hình xấu có thể xảy ra.

Chủ tịch UBND TPHCM, Hà Nội và các thành phố lớn cũng như các tỉnh đang có ổ dịch được áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh, Thủ tướng nêu rõ.

Ngành y tế theo dõi, giao ban thường xuyên cùng với Ban Chỉ đạo để đưa ra các biện pháp cụ thể hơn nữa xử lý tình hình, tăng cường lực lượng có liên quan cho các địa phương có nhu cầu.

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/313624/thu-tuong-dong-y-cho-dia-phuong-ap-dung-bien-phap-manh-de-ngan-chan-dich-benh.html