Thủ tướng Đức kêu gọi người tiền nhiệm Gerhard Schröder từ chức tại các công ty Nga
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, cựu Thủ tướng Gerhard Schröder nên từ chức tại Hội đồng quản trị các công ty năng lượng của nhà nước Nga. Trong khi đó, ông Schröder (77 tuổi) là cộng sự lâu năm của giới kinh doanh Nga và Tổng thống Vladimir Putin.
Cựu Thủ tướng Gerhard Schröder hiện là người đứng đầu Ban giám sát Tập đoàn năng lượng nhà nước Rosneft (Nga) và dự kiến sẽ đảm nhận một vị trí trong Hội đồng quản trị Gazprom. Ông cũng nắm giữ nhiều vai trò với các dự án đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2, kết nối khí đốt của Nga với Đức qua biển Baltic (không qua Ukraine). Đường ống Nord Stream 2 đã được xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động. Nord Stream 1 tiếp tục cung cấp khí đốt của Nga cho Đức.
Trong bối cảnh Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine vào cuối tháng 2-2022, mối quan hệ của ông Schröder với ông Putin và các công ty năng lượng của Nga đã dẫn đến hàng loạt chỉ trích tại Đức. Ngày 3-3, các nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ xã hội Lars Klingbeil và Saskia Esken cho biết, họ đã viết thư cho ông Schröder yêu cầu ông từ chức tại các công ty năng lượng Nga. Cả 2 nhà lãnh đạo Scholz và Schröder đều là thành viên của Đảng Dân chủ xã hội. Trên Đài truyền hình ZDF, Thủ tướng Scholz nói: “Tôi thấy việc ông Gerhard Schröder giữ những chức vụ này là không đúng. Ông ấy nên từ bỏ chúng”.
Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh, ngay cả với tư cách là một cá nhân đơn lẻ, bản thân ông Schröder là một cựu nguyên thủ quốc gia nên công việc kinh doanh của ông không phải là vấn đề riêng tư. “Nghĩa vụ này không kết thúc khi ai đó không còn giữ chức vụ nữa, mà nó còn tiếp tục” - ông Scholz nhấn mạnh và thêm rằng, ông hy vọng các đồng minh của Schröder có thể “thuyết phục ông ấy xem xét lại các quyết định trong quá khứ”.
Ông Gerhard Schröder từng là nhà lãnh đạo của nền dân chủ đông dân nhất ở Tây Âu trong vòng 7 năm (nhiệm kỳ 1998-2005). Trên cương vị của mình ông đã hiện đại hóa hệ thống an sinh xã hội của đất nước, khiến Tổng thống Mỹ George W. Bush tức giận khi từ chối tham gia vào cuộc chiến Iraq và là người thua cuộc sít sao trước ứng cử viên Angela Merkel trong cuộc bầu cử năm 2005. Sau khi bà Angela Merkel nhậm chức năm 2005, ông Schröder đảm nhận vị trí tại Nord Stream vào năm 2006. Liên quan đến áp lực mới nhất, 4 thành viên trong văn phòng của ông Schröder đã nghỉ việc hồi đầu tuần do có mối liên hệ với các công ty quốc doanh Nga. Câu lạc bộ bóng đá Borussia Dortmund đã tước bỏ tư cách “Thành viên danh dự” mà họ đã tặng cho vị cựu thủ tướng.
Hiện quan hệ Nga - Đức rơi vào tình thế khó khăn. Trong khi Đức thuộc cả EU và NATO, Berlin từ lâu đã tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Matxcơva do nhu cầu năng lượng và các mối quan hệ thương mại khác. Đầu tuần qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bất ngờ tuyên bố gửi tên lửa chống tăng và tên lửa đất đối không để hỗ trợ Ukraine cũng như đầu tư 100 tỷ Euro cho quân đội Đức.
Sự đảo ngược về chính sách, đặc biệt là về chính sách xuất khẩu vũ khí này rất đáng chú ý, bởi trước đó Đức khẳng định sẽ không gửi vũ khí đến khu vực xung đột. Ông Scholz cho biết, hành động của Nga ở Ukraine đòi hỏi Đức phải có phản ứng khác hẳn so với trước đây. Quyết định này được coi là một sự đổ vỡ lịch sử đối với chính sách đối ngoại thời hậu Thế chiến hai của nước này.