Thủ tướng Đức thăm Trung Quốc: Bài toán hợp tác và cạnh tranh

Thủ tướng Đức Olaf Scholz lên đường tới Trung Quốc vào ngày 13/4 trong chuyến thăm ngoại giao kéo dài 3 ngày.

Hiệp hội ngành công nghiệp ô tô Đức (VDA) vừa ra tín hiệu phản đối bất kỳ mức thuế nào của Liên minh châu Âu (EU) đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, cho rằng điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại và đe dọa việc làm của người Đức, hãng Bloomberg đưa tin hôm 13/4.

Với việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang trên đường tới Bắc Kinh để hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao của quốc gia Đông Á, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping), lời “nhắn nhủ” của ngành công nghiệp ô tô Đức là dấu hiệu cho thấy những áp lực trong mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế.

“Việc kinh doanh hiện tại với Trung Quốc đảm bảo một số lượng lớn việc làm ở Đức”, bà Hildegard Mueller, người đứng đầu VDA, nói với báo Welt am Sonntag (Đức). “Quá trình chuyển đổi mà các công ty của chúng tôi hiện đang tài trợ với số tiền kỷ lục cũng đang được tài trợ bằng tiền từ việc kinh doanh tại thị trường trọng điểm này”.

Chủ tịch VDA cho biết, bất kỳ mức thuế bổ sung nào mà EU áp đặt lên các mẫu xe sản xuất tại Trung Quốc, đều có thể nhanh chóng có tác động tiêu cực nếu xảy ra xung đột thương mại, khiến mục tiêu thúc đẩy xe điện và công nghệ kỹ thuật số của EU gặp rủi ro.

EU cảnh báo rằng các nhà sản xuất trên chính “cựu lục địa” có thể bị giảm doanh số và mức sản xuất nếu việc nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc tiếp tục không được kiểm soát.

Nhiều điều đã thay đổi

Thủ tướng Đức Olaf Scholz lên đường tới Trung Quốc vào ngày 13/4 trong chuyến thăm ngoại giao kéo dài 3 ngày, bao gồm các cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Được tháp tùng bởi một phái đoàn doanh nghiệp cấp cao, người đứng đầu Chính phủ Đức dự kiến sẽ giải quyết những bất bình về thâm hụt thương mại giữa thị trường chung EU và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, tháng 11/2022. Ảnh: Getty Images

Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, tháng 11/2022. Ảnh: Getty Images

Thủ tướng Đức dự kiến gặp ông Tập và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) tại Bắc Kinh vào ngày 16/4, ngày cuối cùng của chuyến đi. Đây là chuyến đi thứ hai của ông Scholz tới Trung Quốc với tư cách Thủ tướng. Chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của ông diễn ra vào tháng 11/2022.

Nhiều điều đã thay đổi kể từ chuyến thăm lần trước của Thủ tướng Scholz. Năm ngoái, Berlin đã lần đầu tiên công bố “Chiến lược Trung Quốc” nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường tỷ dân trong các lĩnh vực quan trọng và đưa Đức đi theo hướng “giảm thiểu rủi ro” (derisking) mà EU đang thúc đẩy.

Việc ông Scholz đang đi cùng một nhóm các giám đốc điều hành công nghiệp báo hiệu ý định duy trì quan hệ kinh doanh của Berlin với Bắc Kinh.

Bà Zsuzsa Anna Ferenczy, cựu cố vấn chính trị tại Nghị viện châu Âu, cho biết sự thay đổi trong ngôn ngữ của Đức đối với Trung Quốc “dường như không thành hiện thực trên thực tế”. Vị chuyên gia mô tả chuyến đi lần này của ông Scholz như một phần của việc Đức “tìm ra cách thực hiện các cam kết của chính mình”.

Những lời phàn nàn

Ông Philippe Le Corre, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Châu Âu tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc của Viện Chính sách Xã hội châu Á, cho biết đang có “độ chênh” nhận thức về cách tiếp tục làm ăn với Trung Quốc ngay trong nội bộ liên minh cầm quyền ở Berlin và cả giữa các ngành công nghiệp khác nhau.

Có ít nhất 2 nhóm, bao gồm “những người muốn đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc” và “những người cảm thấy Trung Quốc đang trở thành đối thủ cạnh tranh quá lớn”, ông Le Corre cho biết.

Trở lại với cuộc điều tra xe điện của EU. Đây là vấn đề giữa Trung Quốc và liên minh rộng lớn hơn, mà trong đó Đức là một thành viên. Cuộc điều tra được công bố vào tháng 9 năm ngoái. Nó có thể cho phép Ủy ban châu Âu áp đặt thuế trừng phạt đối với xe điện nhập khẩu rẻ hơn từ Trung Quốc nhằm bảo vệ các nhà sản xuất của “lục địa già”.

Bãi đậu xe của liên doanh Tập đoàn Công nghiệp Ô tô Thượng Hải-Volkswagen tại Thượng Hải. Hãng xe hơi Volkswagen hàng đầu của Đức có hơn 40 nhà máy ở Trung Quốc. Ảnh: NY Times

Bãi đậu xe của liên doanh Tập đoàn Công nghiệp Ô tô Thượng Hải-Volkswagen tại Thượng Hải. Hãng xe hơi Volkswagen hàng đầu của Đức có hơn 40 nhà máy ở Trung Quốc. Ảnh: NY Times

Đại sứ Trung Quốc tại EU đã mô tả cuộc điều tra là “không công bằng”, và cho biết Bắc Kinh đang hợp tác “vì chúng tôi muốn tránh tình trạng hai bên sẽ phải dùng đến các biện pháp thương mại chống lại nhau”.

Ông Le Corre nói với DW rằng Thủ tướng Scholz sẽ phải bình luận về vấn đề này trong chuyến đi của ông, vì Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại EU.

Và người đứng đầu Chính phủ Đức có thể sẽ phải đối mặt với những lời phàn nàn từ Bắc Kinh, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặt câu hỏi: “Nếu các vị muốn hợp tác kinh doanh với chúng tôi, thì tại sao lại tiến hành cuộc điều tra chống lại xe điện Trung Quốc?”.

Minh Đức (Theo Bloomberg, DW)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thu-tuong-duc-tham-trung-quoc-bai-toan-hop-tac-va-canh-tranh-a658919.html