Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed nhận giải Nobel Hòa bình 2019
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã vinh dự trở thành chủ nhân của giải Nobel Hòa bình 2019 vì những nỗ lực của ông trong việc giải quyết cuộc xung đột kéo dài giữa Ethiopia với nước láng giềng Eritrea.
Nhân vật có tầm nhìn
Ủy ban Nobel trong thông báo về việc trao giải cho ông Abiy ca ngợi Thủ tướng của quốc gia đông dân thứ 2 tại châu Phi là một người có tầm nhìn, một nhà cải cách. Ông được vinh danh vì những nỗ lực để đạt được hòa bình và hợp tác quốc tế, đặc biệt là sáng kiến mang tính chất quyết định nhằm giải quyết xung đột biên giới với nước láng giềng Eritrea. Hai nước đã từng là một dân tộc, tuy nhiên sau một cuộc chiến kéo dài 3 thập kỷ, Eritrea đã tách khỏi Ethiopia và giành được độc lập vào năm 1991. Quan hệ giữa 2 nước đã rơi vào bế tắc sau cuộc chiến tranh biên giới khiến khoảng 80.000 người thiệt mạng trong các năm 1998-2000. Trong suốt 1 thời gian dài, 2 bên duy trì ở tình trạng xung đột.
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 4/2018, ông Abiy Ahmed (43 tuổi) đã bắt đầu hàn gắn quan hệ với Eritrea. Ngày 5/6/2018, liên minh cầm quyền tại Ethiopia do ông dẫn đầu đã đồng ý thực hiện đầy đủ Hiệp định Hòa bình Algiers ký với Eritrea vào năm 2000 đồng thời cam kết tuân thủ phán quyết trọng tài của Ủy ban Biên giới vào năm 2002. Ngày 9/7/2018, sau cuộc gặp lịch sử ở thủ đô Asmara, ông Abiy và Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki đã chính thức tuyên bố chấm dứt cuộc giao tranh kéo dài 20 năm giữa 2 nước. Một thỏa thuận hòa bình đã được ký kết vào cuối năm đó. Thỏa thuận này sau đó đã được biến thành những bước đi cụ thể để nối lại những sợi dây gắn kết giữa 2 nước.
Đến nay, Ethiopia và Eritrea đã mở lại các đại sứ quán tại nước đối tác. Viễn thông giữa Ethiopia và Eritrea cũng đã được khôi phục, cho phép các gia đình bị chia rẽ trong chiến tranh liên lạc được với nhau. Khi chuyến bay thương mại đầu tiên của hãng hàng không Etopian Airlines từ Addis Ababa đến thủ đô Asmara của Eritrea hạ cánh vào ngày 18/7 năm ngoái, những hành khách khi bước xuống máy bay đã quỳ xuống và hôn mặt đất. Hai chị em bị chia rẽ với cha trong cuộc chiến, mắc kẹt ở 2 bên biên giới cũng lần đầu tiên được ôm cha mình sau 20 năm bặt vô âm tín.
Theo Ủy ban Nobel, tiền đề quan trọng cho sự đột phá trong việc giải quyết bế tắc giữa Ethiopia và Eritrea chính là việc ông Abiy Ahmed sẵn sàng chấp nhận vô điều kiện phán quyết phân xử của một ủy ban biên giới quốc tế vào năm 2002. Ngoài ra, ông này cũng đóng góp tích cực vào các tiến trình hòa bình và hòa giải tại khu vực, bao gồm thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Eritrea và Djibouti, làm trung gian giữa Kenya và Somalia... Ủy ban Nobel Na Uy nhấn mạnh, giải thưởng Nobel Hòa bình sẽ cổ vũ Thủ tướng Abiy tiếp tục công việc quan trọng của ông vì hòa bình và hòa giải.
Lãnh đạo trẻ nhất châu Phi
Thủ tướng Abiy Ahmed lâu nay được biết đến là nhà lãnh đạo trẻ nhất châu Phi. Ông cũng là điển hình của những tấm gương vượt khó vươn lên. Sinh ra ở thị trấn Beshasha phía Tây Ethiopia, tuổi thơ của ông trôi qua trong một ngôi nhà thiếu điện và nước, phải ngủ trên nền nhà. Theo lời kể của ông này, phải đến năm học lớp 7, ông mới nhìn thấy điện, đường nhựa. Khi trưởng thành, ông gia nhập quân đội, trải qua nhiều vị trí khác nhau trước khi trở thành người đứng đầu cơ quan tình báo của Ethiopia, bộ trưởng rồi cuối cùng là Thủ tướng của nước này.
Lên nắm quyền với vô vàn khó khăn, cùng với những nỗ lực giải quyết cuộc chiến tranh với nước láng giềng, ở trong nước, ông Abiy Ahmed cũng đã khởi động nhiều cải cách quan trọng, đem lại cho người dân hy vọng về cuộc sống tốt đẹp và tương lai tươi sáng hơn. Trong 100 ngày đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ông đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp của Ethiopia, ân xá cho hàng ngàn tù nhân chính trị, dỡ bỏ kiểm duyệt truyền thông, hợp thức hóa các nhóm đối lập, bãi nhiệm các lãnh đạo quân sự và dân sự bị tình nghi tham nhũng.
Ít lâu sau khi nhậm chức vào tháng 4/2018, ông đã đưa ra các chính sách cải cách quy mô lớn trong lĩnh vực an ninh và tư pháp. Ông cũng tiến hành nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy sự hiện diện của nữ giới trong đời sống chính trị và cộng đồng Ethiopia. Nội các của ông có tới 50% thành viên là phụ nữ. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi người dân quan tâm hơn tới các vấn đề xã hội, thông qua những hành động thiết thực như trồng thêm cây xanh để hạn chế sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia kinh tế, GDP của Ethiopia dự kiến sẽ đạt khoảng 100 tỷ USD vào năm 2020, đưa nước này trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
Những hành động của ông đã làm dấy lên sự lạc quan ở một khu vực châu Phi bị bạo lực tàn phá. “Tôi thường nói rằng những cơn gió hy vọng đang thổi mạnh hơn bao giờ hết trên khắp châu Phi. Thủ tướng Abiy Ahmed là một trong những lý do chính giải thích cho nhận định này”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu sau khi giải Nobel Hòa bình được công bố.
Văn phòng Thủ tướng Ethiopia trong một tuyên bố đã bày tỏ niềm tự hào khi ông Abiy Ahmed được chọn để trao giải Nobel Hòa bình. “Chiến thắng và sự ghi nhận này là thắng lợi tập thể của người dân Ethiopia và là lời kêu gọi củng cố quyết tâm của chúng tôi trong việc biến Ethiopia - Chân trời Hy vọng Mới - trở thành quốc gia thịnh vượng cho tất cả”, tuyên bố nhấn mạnh.
Khác với các giải Nobel còn lại, giải Nobel Hòa bình không chỉ được trao cho các cá nhân mà còn được trao cho các tổ chức, hội nhóm. Trong đó, Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế đã từng 3 lần được trao giải thưởng này còn Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn từng 2 lần nhận giải. Gần nhất, năm 2017, giải thưởng này đã được trao cho Chiến dịch Quốc tế về Xóa bỏ Vũ khí hạt nhân (ICAN). Năm nay là năm thứ 100 giải thưởng Nobel Hòa bình được trao tặng.
Trước khi chủ nhân giải thưởng của năm 2019 được xướng tên, giải thưởng này đã được trao cho 106 cá nhân. Người trẻ nhất từng nhận giải là nhà hoạt động người Pakistan Malala Yousafzai, được trao giải vào năm 2014, khi mới 17 tuổi. Người cao tuổi nhất từng nhận giải Nobel Hòa bình là ông Joseph Rotblat. Ông nhận giải vào năm 1995, khi đã 87 tuổi.
Theo Viện Nobel, trong năm nay, Ủy ban Nobel nhận được 301 đề cử cho giải Nobel Hòa bình, là năm có số đề cử nhiều thứ 4 từ trước đến nay. Kỷ lục về số đề cử cho giải thưởng này được ghi nhận vào năm 2016, với tổng cộng 376 ứng viên.
Trước khi chủ nhân của giải thưởng năm 2019 được xướng tên, cô bé 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg - một nhân vật đã tích cực kêu gọi chống biến đổi khí hậu được cho là ứng viên tiềm năng nhất của giải thưởng. Ông Abiy Ahmed chỉ là ứng viên tiềm năng thứ 2 và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng có tên trong danh sách những nhân vật có thể được nhận giải vì phản ứng nhanh chóng và quyết đoán của bà trong vụ xả súng xảy ra tại 2 nhà thờ Hồi giáo ở nước này hồi đầu năm.
Lễ trao giải Nobel Hòa bình sẽ tổ chức tại thủ đô Oslo của Na Uy vào ngày 10/12 để tưởng niệm ngày mất của Alfred Nobel. Ngoài huy chương và một giấy chứng nhận, người nhận giải sẽ được nhận số tiền thưởng 9 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 912.000 USD).