Thủ tướng: Gần 3.000 dự án tồn đọng, cần quyết tâm tháo gỡ
Theo Thủ tướng, trong tổng số 2.981 dự án tồn đọng, kéo dài hiện nay có 3 loại gồm: dự án rõ sai phạm, dự án vướng mắc về thủ tục, dự án có dấu hiệu vi phạm.
Ngày 17/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đất đai theo Kết luận số 77-KL/TW ngày 2/5/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 170/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội và triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng trên phạm vi cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo báo cáo, sau hơn 1 năm thực hiện Kết luận 77 của Bộ Chính trị, nhiều vướng mắc đã được xử lý, một số dự án tiếp tục triển khai, góp phần khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đến nay cả nước vẫn còn 2.981 dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm, vướng mắc chủ yếu liên quan đến đất đai, quy hoạch, thủ tục pháp lý với giá trị nguồn lực rất lớn đang bị lãng phí.
Các đại biểu đánh giá, nguyên nhân một phần do quy định pháp luật còn bất cập, một số địa phương thúc đẩy đầu tư thiếu kiểm soát, trong khi doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm và năng lực thực hiện dự án. Các khó khăn chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương nhưng cũng cần sự hỗ trợ, hướng dẫn từ Trung ương.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai là việc khó, nhạy cảm, chưa có tiền lệ song phải quyết tâm thực hiện.
Theo Thủ tướng, trong tổng số 2.981 dự án tồn đọng, kéo dài hiện nay có 3 loại. Nhóm thứ nhất là những dự án rõ sai phạm; nhóm thứ 2 là những dự án vướng mắc về thủ tục; nhóm thứ 3 là những dự án có dấu hiệu vi phạm.

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tham dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cập nhật số liệu trên Cổng thông tin của Ban Chỉ đạo; rà soát, tổng hợp, phân loại, phân tích, đánh giá các dự án; đề ra hướng xử lý phù hợp quy định. Việc xử lý phải đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền và tuân thủ các nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không để "sai chồng sai, được việc này mất việc kia", trong xử lý phải đảm bảo cả hiệu quả và nhân văn, tạo khí thế mới để phát triển.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 751, Đảng ủy Chính phủ để hoàn thành báo cáo trình Bộ Chính trị trong tháng 8/2025, với chất lượng tốt nhất có thể.
Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương tăng cường giám sát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng. Cách làm phải bài bản, rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm, "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền".

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cập nhật số liệu trên Cổng thông tin của Ban Chỉ đạo; rà soát, tổng hợp, phân loại, phân tích, đánh giá các dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Từ những kinh nghiệm tích lũy được tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Long An, Thủ tướng yêu cầu mở rộng cơ chế chính sách phù hợp để xử lý các dự án tồn đọng trên phạm vi cả nước.
Người đứng đầu Chính phủ kỳ vọng việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án sẽ góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8,3 - 8,5% trong năm 2025, tạo nền tảng cho tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.