Thủ tướng: Gắn đào tạo với thực tiễn, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp, góp phần giải quyết những vấn đề trước mắt cũng như vấn đề mang tầm chiến lược.
Tại sự kiện "Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Ngày hội việc làm VNUA – 2022" do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 17/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta cần "làm và làm tốt hơn nữa những gì xã hội cần"; đào tạo và nghiên cứu khoa học phải sát với nhu cầu của thực tiễn. Do đó, phải chuyển đổi mạnh mẽ phương pháp đào tạo, coi người học là trung tâm của quá trình đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; trong đó cần thúc đẩy hơn nữa tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực.
"Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp, góp phần giải quyết những vấn đề trước mắt cũng như vấn đề mang tầm chiến lược, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn, trong việc định hướng nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao đề xuất của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (Spin-off). Đây là mô hình gắn kết giữa nhà trường với xã hội, nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới đang áp dụng và thành công như ở Hà Lan, Mỹ, Australia...
Mục tiêu quan trọng nhất của các doanh nghiệp Spin-off là nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường, để khoa học công nghệ nhanh chóng trở thành sức mạnh vật chất, tạo thành của cải và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh nghiệm truyền thống với khoa học công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo.
Chia sẻ bên lề sự kiện, PGS.TS Nguyễn Thị Minh, Chủ nhiệm Chương trình “Ứng dụng công nghệ vượt trội hỗ trợ nông dân chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản”, cũng là nhà sáng lập Spin-off thí điểm lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp, môi trường JAMITECH-VNUA cho biết, trước đây sản phẩm nghiên cứu khoa học được chuyển giao thông qua các hiệp hội, chương trình địa phương, nhưng thấy rằng người nông dân khó tiếp cận. Từ thực tế đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam xác định làm thế nào để người dân tiếp cận một cách nhanh chóng sự tư vấn hỗ trợ đồng hành của nhà khoa học và đã xây dựng Spin-off.
Chủ trương của Học viện Nông nghiệp Việt Nam là ưu tiên thí điểm Spin-off. Xuất phát trên cơ sở nghiên cứu khoa học đã thành công, các Spin-off sẽ là cầu nối để phá “tảng băng” giữa nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp, mở đường đưa các sản phẩm nghiên cứu thành công từ phòng thí nghiệm được ứng dụng trong thực tế. Nông dân dễ dàng tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để tiến tới xây dựng nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn một cách đồng bộ.
Đánh giá về cách làm này, ông Lê Việt Dũng, Phụ trách chuyển giao công nghệ Công ty cổ phần Công nghệ sinh học nông nghiệp, môi trường JAMITECH-VNUA cho biết, việc chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ tới người nông dân cần cụ thể, chi tiết, sâu sát.
Bà con thường có thói quen sử dụng sản phẩm sinh học, hay các sản phẩm kháng sinh tự phát, kinh nghiệm truyền từ người chăn nuôi với nhau nên việc sử dụng sản phẩm của bà con thường chưa đạt hiệu quả cao. Qua Spin-off, đội ngũ kỹ thuật sẽ hỗ trợ chi tiết cách sử dụng từng sản phẩm tới tận chuồng trại với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của vật nuôi nên hiệu quả của các sản phẩm nghiên cứu được phát huy tốt hơn.
Việc đưa nông dân tiếp cận và áp dụng khoa học công nghệ dễ hơn; nông dân được xác định là trung tâm của việc nghiên cứu cũng như chuyển giao công nghệ thì những sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ sẽ phát huy hiệu quả cao nhất.
Qua cách làm này, ông Lê Việt Dũng cũng cho biết, đội ngũ kỹ thuật cũng sẽ tiếp cận các thông tin từ nhu cầu của nông dân rồi chuyển tới các nhà khoa học. Thông qua các thông tin đó, các nhà khoa học sẽ đưa ra các giải pháp hữu ích, thiết thực hơn với nhu cầu với bà con.
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, để hỗ trợ cho nghiên cứu, Học viện đã đầu tư mạnh mẽ cho các phòng thí nghiệm. Hiện Học viện Nông nghiệp Việt Nam có 6 phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017, xây dựng 82 mô hình khoa học và công nghệ và đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị…
Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thành lập 46 nhóm nghiên cứu mạnh, xuất sắc và tinh hoa để tăng cường các nghiên cứu chuyên sâu, mang tính đột phá nhằm tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao và tăng cường công bố quốc tế.
Các nhóm nghiên cứu sẽ bám sát vào thực tiễn, các ngành hàng chủ lực; dựa vào Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, chiến lược ngành nông nghiệp để xây dựng chiến lược khoa học công nghệ riêng của học viện. Qua đó, tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao thương hiệu của các cơ sở đào tạo, thu hút nguồn lực./.