Thủ tướng giao Petrovietnam và EVN làm chủ đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận

Sáng 4/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo. Thủ tướng giao EVN làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Petrovietnam làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển xanh, phát triển bền vững là mục tiêu của Đảng, Nhà nước đã đề ra; tình hình biến đổi khí hậu những năm gần đây rất cực đoan; Việt Nam là một trong những nước chịu tác động rất lớn của tình trạng biến đổi khí hậu này, thể hiện qua cơn bão số 3 (Yagi), ngoài ra là các tình trạng sụt lún, sạt lở, khô hạn, ngập mặn, thiếu nước...

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Đây là những yêu cầu cấp bách của sự phát triển, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Năm 2025, Trung ương quyết định phải đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo tiền đề, khí thế, động lực cho giai đoạn 2026-2030 đạt tăng trưởng 2 con số, do đó yêu cầu tăng trưởng điện phải bảo đảm đạt ít nhất từ 12-16%. Năm 2024, tăng trưởng đạt hơn 7% nhưng tăng trưởng điện đã đạt 12-13%. Tăng trưởng điện là yêu cầu cấp bách hiện nay. Việt Nam đang triển khai trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, Internet vạn vật dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu... rất cần sự ổn định về tăng trưởng năng lượng. Do đó, việc phát triển năng lượng nhanh và bền vững là yêu cầu cấp cách đặt ra cho đất nước hiện nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xây dựng nhà máy điện hạt nhân là vấn đề lớn, vấn đề khó mang tính quốc gia đại sự

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xây dựng nhà máy điện hạt nhân là vấn đề lớn, vấn đề khó mang tính quốc gia đại sự

Tại phiên họp thứ hai này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo rà soát lại các công việc được giao sau phiên họp thứ nhất, đồng thời thảo luận, góp ý xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Nhân dịp xuân mới, Thủ tướng mong Ban Chỉ đạo có những kết quả mới, sản phẩm mới; phải có cách ứng xử mới, khẩn trương, có các chương trình, kế hoạch cụ thể, huy động tiền vốn, nhân lực, chuyển giao công nghệ,... để triển khai; việc nào vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền; vướng ở đâu giải quyết ở đó; đặc biệt là phải chấm dứt tình trạng các bộ, ngành trả lời "vòng vo", "chung chung" mà phải rõ ràng, có thời hạn cụ thể.

Thủ tướng khẳng định, xây dựng nhà máy điện hạt nhân là vấn đề lớn, khó, mang tính quốc gia đại sự, do đó, cần có tinh thần trách nhiệm cao của mỗi cá nhân, tập thể, phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Thủ tướng mong Ban Chỉ đạo làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm, có sản phẩm. Bộ Công Thương cần rà soát lại, ổn định cơ cấu của Ban Chỉ đạo, cần có các chuyên gia giỏi để tham mưu, giúp việc; từng phiên họp của Ban Chỉ đạo phải đạt mục tiêu cụ thể để hướng đến đạt được mục tiêu chung.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: cần có hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai thực hiện các dự án điện hạt nhân

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: cần có hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai thực hiện các dự án điện hạt nhân

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, để đảm bảo mục tiêu lớn về phát triển năng lượng nhanh và bền vững của đất nước trong thời gian tới, với kinh nghiệm, khả năng, nguồn lực của mình, Petrovietnam sẵn sàng tham gia thực hiện các dự án điện hạt nhân.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh rằng đây là một lĩnh vực mới đối với Tập đoàn và để thực hiện được nhiệm vụ này, Đảng, Chính phủ cần có hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi cho Petrovietnam trong việc triển khai thực hiện dự án.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá phát triển điện hạt nhân, xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần có sự tập trung đầu tư công sức, trí tuệ tương xứng, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Thủ tướng cũng biểu dương và đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục tinh thần làm việc khẩn trương trong triển khai dự án; xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm, từng mốc thời gian phải hoàn thành những công việc cụ thể. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương kiện toàn, bổ sung thêm các thành viên Ban Chỉ đạo, thành lập Tổ giúp việc tại Bộ Công Thương, trong đó có các chuyên gia, hoạt động theo phương châm tinh gọn, sâu sát, chuyên nghiệp, chuyên trách.

Về luật pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì khẩn trương hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Năng lượng nguyên tử để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, bảo đảm nhanh và chất lượng; theo hướng vấn đề nào đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì đưa vào luật, tiếp tục thực hiện, đồng thời cập nhật các nội dung mới phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện hiện nay, những vấn đề chưa “chín”, chưa rõ, còn thay đổi thì giao Chính phủ quy định, hướng dẫn phù hợp tình hình. Tinh thần là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường trách nhiệm cá nhân và tập thể, giảm thủ tục hành chính, "xóa bỏ xin - cho, nghiêm cấm chạy chọt, cái gì doanh nghiệp làm được thì giao doanh nghiệp làm".

Về cơ chế, chính sách đặc thù (như về mặt bằng, tái định cư, sinh kế cho người dân, tổng diện tích đất sử dụng, chỉ định thầu, rút ngắn thời gian...), tất cả các bộ, ngành thấy cơ chế, chính sách nào có thể làm nhanh nhất, thuận lợi nhất thì đề xuất trước ngày 15/2/2025. Bộ Công Thương là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tổng hợp, báo cáo Chính phủ để đề xuất cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Về tiến độ, Thủ tướng nêu rõ, phải rút ngắn thời gian hoàn thành dự án so với dự kiến trước đây, chậm nhất tới ngày 31/12/2031 phải hoàn thành và phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/12/2030 vào dịp kỷ niệm 85 năm thành lập nước, 100 năm thành lập Đảng. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải xây dựng đường găng tiến độ theo mục tiêu này.

Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Petrovietnam làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Về lựa chọn đối tác nước ngoài tham gia dự án, Thủ tướng nêu rõ, thực hiện theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Bộ Chính trị; yêu cầu EVN, Petrovietnam và các cơ quan ngay trong tháng 2/2025 sẽ cử đoàn công tác đàm phán với các đối tác nước ngoài, chú ý phải có đối tác dự phòng để sẵn sàng trong mọi tình huống. Việc xác định quy mô, công suất, tổng mức đầu tư các nhà máy được xác định trên cơ sở đàm phán với các đối tác và cập nhật phù hợp với tình hình mới, từ đó trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về nhân lực, Thủ tướng yêu cầu cần khẩn trương rà soát, tập hợp những người đã được đào tạo trong lĩnh vực điện hạt nhân và các lĩnh vực liên quan, đào tạo bổ sung và có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn nhân lực, trong đó cần chú ý người tổng chỉ huy, tổng công trình sư của dự án.

Thủ tướng chỉ đạo về bố trí vốn cho dự án, trong đó có việc sử dụng vốn dự phòng của năm 2025, làm ngay thủ tục để sử dụng nguồn vốn này trước ngày 15/2. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc lựa chọn nhà thầu, dù chỉ định thầu hay đấu thầu, thì quan trọng nhất là làm việc trong sáng, vì lợi ích chung, bảo đảm công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, Thủ tướng hoan nghênh tỉnh Ninh Thuận đã thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền của tỉnh. Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Bộ Tài chính cấp đủ ngân sách để trong năm 2025 phải hoàn thành việc di dời và ổn định nơi ở, sinh kế cho người dân, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận khẩn trương kêu gọi hợp tác công tư, thu hút đầu tư... để khai thác dân dụng sân bay Thành Sơn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh liên quan điện hạt nhân, hoàn thành trước ngày 28/2/2025. Thủ tướng cũng lưu ý, công tác quy hoạch phải nhìn trên tổng thể lợi ích quốc gia, bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội, cân đối phù hợp giữa các địa phương, các vùng miền nhưng có ưu tiên bố trí các công trình năng lượng trọng điểm tại các địa bàn khó khăn.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao trong triển khai hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thẩm định nhanh nhất các thủ tục, đề xuất các cơ chế, chính sách; Bộ Tài chính bố trí kinh phí dự phòng theo quy định pháp luật, nếu cần ứng trước, nhất là ứng vốn cho Ninh Thuận giải phóng mặt bằng, tái định cư; Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán việc đào tạo nguồn nhân lực cho dự án; Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thẩm định liên quan môi trường dự án; Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành, tập đoàn liên quan làm tốt công tác truyền thông, bảo đảm công khai, minh bạch để người dân giám sát, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội.

Nhấn mạnh coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc là những yếu tố quyết định thành công, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tiếp tục trực tiếp chỉ đạo các công việc và hằng tháng tổ chức cuộc họp để kiểm điểm, triển khai, đôn đốc nhiệm vụ, tinh thần là rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.

PV

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thu-tuong-giao-petrovietnam-va-evn-lam-chu-dau-tu-2-nha-may-dien-hat-nhan-tai-ninh-thuan-723774.html